Tòa Soạn - Bạn đọc
“Tác dụng ngược” của truyền thông
Lúc mới về làm báo, tôi nghĩ đơn giản, là nhà báo hễ có sự kiện, có vấn đề, nguồn tin trung thực, phản ánh đúng và nhanh là cứ vô tư đưa tin. Nhưng đúc kết lại sự trải nghiệm theo thời gian, tôi nhận ra rằng, có những thông tin nóng, thậm chí được nhiều tờ báo khai thác đủ mọi khía cạnh, nhưng với quan niệm của người làm báo chân chính thì không nên đưa tin, bởi có thể phản tác dụng; hoặc những thông tin không mang tính giáo dục mà lại kích thích sự tò mò và học làm theo.
Không khó để thấy rằng, chẳng bao lâu sau những thông tin được báo chí khai thác triệt để về vụ án mạng giết cả gia đình 6 người ở Bình Phước, liền ngay sau đó, khắp nhiều tỉnh, thành trên cả nước, xuất hiện thêm nhiều vụ án thảm sát với thủ đoạn tàn độc, “giết không chừa một mống”. Hay sau một thông tin về chuyện tẩm xăng đốt chết người yêu được miêu tả chi tiết, thì tiếp sau đó là nhiều vụ án đau lòng về những trường hợp đốt nhau chết vì lụy tình… Đáng sợ đến rùng mình vì hành vi tàn độc của hung thủ bao nhiêu thì chúng ta, những nhà báo cũng ghê sợ bấy nhiêu trước kiểu cung cấp thông tin đến bạn đọc một cách thiếu trách nhiệm như thế.
Cách đây không lâu, tôi đã tham dự phiên tòa xét xử một bị cáo phạm tội trộm cắp tiền công quả trong chùa. Bị cáo đã dán kẹo cao su vào đầu cây nhang rồi cho vào thùng công quả để rút tiền. Điều đáng nói là, khi Tòa hỏi: “Sao bị cáo nghĩ ra được cách trộm này?”, thì bị cáo thật thà khai nhận, đã học được từ một vụ xét xử lưu động một tên trộm có hành vi tương tự, được báo đài tường thuật một cách chi tiết cách thức, thủ đoạn. Thấy hay, lại dễ làm nên bị cáo bắt chước?!
Nếu như trước đây, mô hình “phiên tòa xét xử lưu động” được cho là mô hình tuyên truyền pháp luật trong dân khá hiệu quả, với cách mang vụ án ra chợ, ra trường học, ra khu dân cư, để người dân thấy sai mà sợ, thấy án tù mà tránh con đường phạm tội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quan điểm trái chiều nhìn nhận lại, về hiệu quả cũng như những “tác dụng phụ” mà mô hình xét xử lưu động gây ra. Nhiều nhà nghiên cứu luật pháp đã phản đối việc đưa các phiên tòa ra xét xử lưu động, bởi theo họ, đôi khi việc xét xử kiểu đó lại gây tác dụng ngược. Những chuyện cướp tài sản, trộm cắp, giết người với những thủ đoạn, hành vi, những biện pháp để xóa dấu vết, để che giấu tội phạm, những cách thức để thực hiện tội phạm… nhiều lúc được liệt kê quá chi tiết, quá rõ đến mức, nếu những kẻ có ý đồ, cũng có thể xem như là “bí kíp” để hành nghề.
Để việc tuyên truyền pháp luật đến được với người dân thì nâng cao nhận thức pháp luật của xã hội là điều rất quan trọng. Đó cũng chính là cách thức để đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả. Tuy nhiên, tuyên truyền như thế nào, cách thức ra sao để không phải là tấm gương xấu điển hình cho những xu hướng tội phạm noi theo, thiết nghĩ là vấn đề cần suy ngẫm.
K.P
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới