Tòa Soạn - Bạn đọc
Quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm - Cần chung tiếng nói
Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (gọi tắt là Luật ATTP) đã chuyển hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm. Quy định này phần nào khắc phục sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về ATTP, xác định rõ hơn trách nhiệm mỗi cấp, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATTP. Hiện tại chỉ còn 3 ngành quản lý vấn đề này (gồm y tế, nông nghiệp và công thương).
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một cơ sở làm bún trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Trước khi Luật ATTP có hiệu lực, việc quản lý ATTP được phân chia theo từng công đoạn: ngành Nông nghiệp quản lý khâu sản xuất, Công thương khâu lưu thông, Y tế khâu chế biến. Luật ATTP 2010 ra đời đã chuyển đổi quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi sản phẩm và nhóm ngành nghề, thông suốt từ khâu trồng trọt, chế biến, lưu thông, kinh doanh.
Về lý thuyết, đây là tư duy quản lý tiến bộ, xuất phát từ lợi ích của đối tượng chịu sự quản lý thay vì lợi ích của chủ thể quản lý. Tại Bạc Liêu, sự ra đời của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cộng với các chi cục thú y, bảo vệ thực vật, thủy sản cũng tham gia triển khai quản lý, kiểm tra chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo phân công của Sở NN&PTNT. Nhiều trạm kiểm nghiệm hoặc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về kiểm nghiệm và tư vấn đảm bảo chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản. Trong lĩnh vực y tế, tại tuyến tỉnh, thực hiện Nghị định 79/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trực thuộc Sở Y tế phụ trách về ATVSTP. Tại cấp huyện và cấp xã, các địa phương, đã bố trí cán bộ làm công tác về ATTP, tuy nhiên, số lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; công tác quản lý về ATTP giao cho Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế - Nông nghiệp, Phòng Y tế hoặc Trung tâm Y tế huyện đảm nhận. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi gặp sự chồng chéo giữa việc quản lý một số lĩnh vực chưa rõ ràng, có sự đan xen giữa các cấp, các ngành quản lý. Một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ ngành nào chịu trách nhiệm quản lý về ngành hàng đó. Đơn cử như việc quản lý chất lượng bún đang chịu sự quản lý của 2 ngành, nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của ngành Nông nghiệp; sản phẩm tinh bột thuộc về ngành Công thương. Chưa nói nếu khi kiểm tra nếu phát hiện có hóa chất gây ngộ độc cho người tiêu dùng lại liên quan tới ngành Y tế. Hàng loạt các sản phẩm khác cũng gặp tình trạng tương tự như ô mai, mứt là sản phẩm từ hoa quả hay bánh, mứt, kẹo...
Một vấn đề nan giải có thể kể đến nữa là, khi kiểm tra VSATTP, ngành Y tế chỉ thu mẫu thực phẩm còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài chợ thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý của ngành Y tế. Sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý ATTP đang là một thực tế tồn tại từ lâu nhưng việc giải quyết vẫn chưa dứt điểm, gây không ít khó khăn cho cả việc quản lý và hoạt động của cơ sở sản xuất. Song song đó, đang có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm, tuy nhiên, mỗi khi có sự cố liên quan đến ATTP xảy ra thì không cơ quan quản lý nhà nước nào chịu trách nhiệm chính. Và nếu không sớm tìm ra được tiếng nói chung, người tiêu dùng vẫn là người nhận lãnh hậu quả của vấn nạn thực phẩm nhiễm bẩn trước tiên!
K.P
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới