Tòa Soạn - Bạn đọc
Phạt nặng hành vi làm bẩn môi trường nơi công cộng
Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2017. Nghị định này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở việc tăng mức phạt lên hàng chục lần so với quy định cũ về hành vi làm bẩn nơi công cộng.
Tiểu tiện, đại tiện, vứt rác bừa bãi bị phạt 3 triệu đồng
Nghị định 155/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, Điều 20 của Nghị định này quy định, phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng (quy định cũ 50.000 - 100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẫu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng (quy định cũ 200.000 - 300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định. Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng (quy định cũ 300.000 - 400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.
Bên cạnh đó, việc gây khó khăn cho công tác điều tra, nghiên cứu, kiểm soát, đánh giá hiện trạng môi trường hoặc hoạt động công vụ của người có thẩm quyền; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ hoặc từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm: người từ đủ 14 - 16 tuổi có hành vi do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm.
Lực lượng đoàn viên - thanh niên thu gom rác thải trên kênh hở (phường 8, TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.Đ
Ai có thẩm quyền xử phạt?
Nghị định 155 nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50 triệu đồng.
Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng. Trạm trưởng, đội trưởng công an nhân dân có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp xã, Trưởng đồn công an, Trạm trưởng Trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 2,5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp huyện; Trưởng phòng công an cấp tỉnh (cảnh sát môi trường và quản lý xuất nhập cảnh) đang thi hành công vụ có quyền: phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25 triệu đồng…
Như vậy, theo quy định mới, tất cả các hành vi xả rác nơi công cộng dù nhỏ nhất như: vứt, thải, bỏ đầu, mẫu và tàn thuốc lá bừa bãi đều tăng mức phạt cao gấp 10 lần mức phạt trước đây. Nếu là tổ chức có hành vi vi phạm, mức phạt tăng lên gấp đôi so với cá nhân.
Ngay sau khi có hiệu lực, Nghị định 155 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân. Ông Triệu Đơn (ngụ khóm Trà Kha, phường 8, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Có quy định mới này, chắc chắn đô thị Bạc Liêu sẽ văn minh hơn, sạch đẹp hơn. Nhưng rồi đây, liệu cơ quan chức năng có giám sát, kiểm tra nổi khi mà tình trạng tiểu tiện không đúng chỗ, vứt rác bừa bãi nơi công cộng vẫn còn diễn ra khá nhiều?”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để giải quyết triệt để nạn tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, bên cạnh việc tăng nặng chế tài xử lý, chính quyền các địa phương cần sớm xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là những nhà vệ sinh miễn phí, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức được đầy đủ về vấn đề này.
Tấn Đạt
Ý kiến người trong cuộc Cần tăng cường khâu tuyên truyền Ngay sau khi Nghị định 155/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực (từ ngày 1/2/2017) đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Trong đó, có cả ý kiến phản biện trái chiều với mục đích cuối cùng là làm sao để nghị định đi vào đời sống, phát huy hiệu quả cao nhất. Dưới đây là ý kiến của hai cơ quan pháp luật. * Ông Nguyễn Bá Ân, Giám đốc Sở Tư pháp: Muốn xử phạt người dân, phải đồng bộ các giải pháp Tôi rất đồng ý chế tài phạt nặng với những hành vi vứt rác bừa bãi trên vỉa hè, đường phố, nơi công cộng… Và việc này có thể thực hiện ngay, bởi vì hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt, thùng rác công cộng đã được đơn vị chức năng bố trí gần như hoàn chỉnh từ TP. Bạc Liêu cho đến trung tâm các huyện, thị xã. Do vậy, vứt rác bừa bãi đã trở thành lỗi cố ý chứ không thể đỗ thừa hoàn cảnh. Còn việc xử phạt hành vi tiểu tiện, đại tiện bừa bãi trong khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, theo tôi thì chưa khả thi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tại thời điểm này. Trước hết, Nhà nước cần đảm bảo tốt các điều kiện để người dân chấp hành. Nghĩa là phải đầu tư hoàn chỉnh hệ thống nhà vệ sinh công cộng, việc này không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn cho cả khách du lịch. Đi cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức xã hội… Bên cạnh công tác giáo dục thì cần có chế tài để răn đe. Do đó, phạt nặng những hành vi này là phù hợp nhằm bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. * Luật sư Đặng Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: Nên nhuần nhuyễn công tác tuyên truyền trước khi xử phạt Liên quan đến chế tài trên, trước hết hãy để người dân tự giác chấp hành là chính, vì đây là chủ trương nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính người dân và giữ văn minh cho môi trường xung quanh họ. Cho nên, để nghị định này đi vào đời sống, giải pháp trước nhất là phải giáo dục cho người dân có ý thức, giáo dục phải được xem là biện pháp tối ưu. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần phát động trong dân bằng nhiều hình thức, trước nhất là tuyên truyền về những quy định xử phạt theo Nghị định 155 cho người dân hiểu rõ. Sau khi đã được tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chúng ta cần có thông báo thời gian bắt đầu xử phạt. Theo tôi, hình phạt đối với những người vi phạm lần đầu chỉ nên nhắc nhở hoặc cảnh cáo, phân tích một cách tâm phục, khẩu phục. Làm sao cho chính những người bị nhắc nhở, cảnh cáo trở thành một tuyên truyền viên tại cộng đồng thì hiệu quả của Nghị định 155 sẽ tăng lên gấp bội. Sau đó, nếu đối tượng tiếp tục vi phạm thì bắt buộc phải có hình thức răn đe, vừa mang tính phòng ngừa. Dĩ nhiên, đối với những trường hợp chây ì, cố tình làm bẩn thiểu môi trường nơi công cộng, cộng đồng dân cư thì cần phải phạt nghiêm. Một khi chúng ta đã nhuần nhuyễn các khâu tuyên truyền, giáo dục thì đến lúc xử phạt chắc chắn người vi phạm sẽ phải đồng tình, khi đó vấn đề văn minh đô thị, bảo vệ môi trường sẽ được khép vào nền nếp và ổn định lâu dài. T.Đ (lược ghi) |
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới