Ông Trần Hùng Dũng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh: Ngành Tòa án phấn đấu giải quyết mọi việc thấu lý, đạt tình

Thứ Tư, 02/10/2013 | 16:41

Kết thúc một năm công tác (30/9/2013), với nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động xét xử của ngành, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh - Trần Hùng Dũng (ảnh), cho biết:


Trong năm 2013, chúng tôi đã kết hợp với Viện Kiểm sát tổ chức rút kinh nghiệm nhiều phiên tòa xét xử án hình sự, tổ chức hội thảo vấn đề tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở đó, ngành TAND tỉnh tổng kết, định ra những vấn đề cần thực hiện tại tất cả các phiên tòa nhằm đảm bảo quyết định của Hội đồng xét xử (HĐXX) căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng và thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa. Kết quả xét xử năm 2013 không xảy ra việc kết tội oan, không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Các quy chế hoạt động tố tụng cũng được sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi hơn cho các đương sự khi tham gia tố tụng tại tòa án. Năm 2013, chúng tôi tập trung hai vấn đề: nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa - xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng xét xử. Kế đó, đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp để tạo điều kiện cho nhân dân thuận lợi hơn.

* Nhiều công dân hỏi: Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành Tòa án đã thu được kết quả gì?

Ông Trần Hùng Dũng: Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã chuyển sang giai đoạn “làm theo”. Ngành Tòa án “làm theo” tấm gương đạo đức Bác Hồ gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, và theo phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Để bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, chúng tôi còn gắn cuộc vận động với nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án.

Bằng nhiều hình thức “làm theo”, thời gian gần đây có sự nâng cao hơn về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ có chức danh tư pháp. Tuy nhiên, sự dè dặt, thiếu quyết đoán, ngại va chạm, ngại trách nhiệm đôi lúc phát sinh ở vài cá nhân. Một số trường hợp giải quyết công việc chưa thấu lý, đạt tình, chúng tôi đã đề ra giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

* Với án dân sự, bao lâu thì quá thời hạn xét xử, giải quyết? Ở huyện Hồng Dân có nhiều vụ việc quá lâu vẫn chưa đưa ra xét xử, như vậy có phạm luật không, nếu có thì xử lý như thế nào? (Ông T.T.T ngụ xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân)

Ông Trần Hùng Dũng: Theo Luật Tố tụng Dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử án dân sự là 4 tháng. Nếu có tình tiết phức tạp, tòa án được gia hạn thêm 2 tháng. Trường hợp vụ án phức tạp, chưa thể đưa ra xét xử, Luật cho phép Tòa án có quyền tạm đình chỉ vụ án.

Đến thời điểm này, TAND huyện Hồng Dân không có án dân sự quá hạn chuẩn bị xét xử. Địa phương có án quá hạn là TP. Bạc Liêu và huyện Giá Rai. Tỷ lệ án quá hạn trên dưới 2% trong số vụ việc đã thụ lý. Tất cả án này đều liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất.

Để khắc phục, chúng tôi đang từng bước bổ sung đội ngũ thẩm phán, điều động thẩm phán từ đơn vị thụ lý ít vụ việc đến các đơn vị có số vụ việc thụ lý nhiều. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành TN-MT thuyết phục các đương sự hợp tác trong việc đo đạc, xác định diện tích đất tranh chấp, định giá tài sản là vấn đề cần tập trung giải quyết.

* Thời gian qua, một số vụ việc Tòa án xét xử thiếu khách quan (đặc biệt là cấp huyện) dẫn đến người dân phải tốn kém nhiều thời gian, chi phí tham gia nhiều cấp xét xử. Vậy, có hay không bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán? Vấn đề này xử lý như thế nào? (nguyenvanhung@ gmail.com)

Ông Trần Hùng Dũng: Mặc dù chưa có số liệu cụ thể nhưng qua chỉ đạo, kiểm tra, chúng tôi thấy vẫn còn có án bị hủy, bị sửa. Đa số bản án này đều có lỗi của thẩm phán. Nguyên nhân là do nhận thức của thẩm phán và HĐXX. Tuy nhiên, một số bản án hình sự bị hủy là do kết quả điều tra ở cấp huyện chưa đầy đủ. Hàng quý, chúng tôi đều tổ chức rút kinh nghiệm chung đến tất cả thẩm phán để học tập và phòng tránh. Đối với thẩm phán có bản án bị hủy cao hơn 1,16% trong tổng số án đã được phân công giải quyết thì tổ chức kiểm điểm, xác định rõ tại sao sai, sai đến đâu... Trên cơ sở đó, sẽ có kiểm điểm, phân công công việc, đánh giá, rút kinh nghiệm trong vòng 6 tháng thì mới xem xét tái bổ nhiệm.

* Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, việc khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, trong đó có một phần do xét xử của Tòa án cấp huyện thiếu công tâm. Ông đánh giá gì về vấn đề này?

Ông Trần Hùng Dũng: Đây là vấn đề chúng tôi trăn trở. Thực tế đã có một vài vụ việc khiếu kiện đông người sau kết quả xét xử của tòa. Vấn đề này không chỉ có ở TAND cấp huyện. Không thể chấp nhận việc xét xử thiếu công tâm. Tuy nhiên, nếu chỉ có vài vụ việc có sai sót, sai lầm mà kết luận do thiếu công tâm thì chưa khách quan. Bởi thẩm phán cũng là con người, mà con người thì không tránh khỏi sai sót. Vấn đề cơ bản là giáo dục phòng ngừa, đề cao trách nhiệm công vụ để cán bộ, công chức tránh sai phạm. Thông qua kiểm tra của ngành, giám sát của xã hội và lắng nghe từ nhiều kênh thông tin, nếu có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời.

* Xin cảm ơn ông!

Tấn Đạt (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.