Tòa Soạn - Bạn đọc
Ô nhiễm môi trường từ đất nạo vét không được xử lý
Ông Năm Thắng - một người dân ở ấp 15 A (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) - đại diện cho nhiều bà con trong xã phản ánh về vấn đề đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nhưng không được xử lý gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông và mất vẻ mỹ quan xóm ấp.
Cử tri huyện Hòa Bình nêu ý kiến về các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường. Ảnh: K.K
KHÔNG THỂ XỬ LÝ DO VƯỚNG QUY ĐỊNH
Theo ông Năm Thắng, tại địa phương ông sinh sống hiện nay có tình trạng người dân sên vét đất hoặc cải tạo ao hồ nuôi tôm, các tuyến kênh thủy nông nội đồng được nạo vét hằng năm khiến cho những phần đất dôi dư này rất nhiều. Trong khi đó, người dân không được vận chuyển đất đi nơi khác để tái sử dụng cho các công trình xây dựng nếu không có giấy phép được cấp tỉnh cấp. Do vậy, nhiều người dân cứ vứt đất thừa này ở những chỗ trống hoặc đơn vị nạo vét kênh cứ đổ đất cặp theo lộ nông thôn. Mùa nắng thì bốc mùi hôi, mùa mưa thì đất nhão, tràn ra đường vừa gây mất vẻ mỹ quan vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Những phần đất này cứ thế lại tràn xuống các kênh mương, tiếp tục gây bồi lắng và lại tốn tiền để nạo vét hằng năm.
Phản ánh của ông Năm Thắng cũng là bức xúc thực tế của rất nhiều bà con nông dân ở các địa phương. Phần đất dôi dư do người dân cải tạo đất khá nhiều nhưng không thể xử lý, vì vướng quy định liên quan đến tài nguyên khoáng sản là đất đai, trong khi có nhiều nơi cần đất để phục vụ các công trình xây dựng, san lấp… Những quy định của Luật Khoáng sản hiện tại đã khiến không chỉ người dân mà cả chính quyền cấp cơ sở cũng gặp khó.
KHÔNG CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 23 ngày 19/8/2022 quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, có quy định “quá trình cải tạo sên, vét ao nuôi trồng thủy sản mà sản phẩm tận thu sử dụng cho dự án đầu tư xây dựng công trình khác phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản” và chất thải phát sinh phải được thu gom, xử lý đảm bảo theo quy chuẩn quy định.
Luật Khoáng sản năm 2010 lại quy định, đất thu được từ hoạt động nạo vét thông luồng là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đất sau nạo vét được sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng công trình có liên quan trong khu vực nạo vét phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Đối với nạo vét, vận chuyển sản phẩm nạo vét ra khỏi phạm vi công trình, dự án phục vụ cho công trình, dự án khác, từ thực tế của địa phương, trước đó ngày 13/10/2022, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường xin chủ trương cho Bạc Liêu áp dụng “cơ chế đặc thù” trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (như san lấp mặt bằng). Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên - Môi trường không thống nhất, yêu cầu tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản. Chỉ trong phạm vi dự án thì được tái sử dụng cho công trình đó; hộ gia đình, cá nhân được khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của mình để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân. Thế nhưng, quy định thành phần, hình thức văn bản, trình tự thủ tục để cấp phép đối với những trường hợp nạo vét, vận chuyển sản phẩm nạo vét ra khỏi phạm vi công trình, dự án phục vụ cho công trình, dự án khác thì cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện.
KIM PHƯỢNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc