Những ý kiến thảo luận đóng góp về Dự án Luật Quy hoạch

Thứ Sáu, 31/03/2017 | 17:29

Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thảo luận tại địa phương đối với các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ĐBQH, lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh đối với Dự án Luật Quy hoạch.

Hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự án luật tại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: K.K

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến tại tổ và hội trường về Dự án Luật Quy hoạch. Dự thảo Luật đã được tiếp thu và bố cục lại gồm 6 Chương và 69 Điều. Đa số ý kiến các vị ĐBQH thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch, vì có tầm quan trọng không chỉ nhằm hướng tới cải cách toàn diện về công tác quy hoạch mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi trong các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam XHCN.

Tuy nhiên qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy một số nội dung được thể hiện trong Dự thảo luật cần được cân nhắc và bổ sung để có tính thực thi cao hơn.

Tại điều 1, Phạm vi điều chỉnh, Điều Luật quy định: “Luật này quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh các loại quy hoạch và giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch”. Đề nghị bổ sung cụm từ “xử lý vi phạm” sau cụm từ kiểm tra thanh tra. Như vậy đầy đủ hơn, đồng thời cũng thể hiện tính nghiêm minh của đạo luật.

Tại Điều 5 về Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch: Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về “thực hiện quy hoạch” vào điều luật.

Đối với quy định về Quy trình phối hợp lập quy hoạch, do Khoản 1 và Khoản 3 của điều luật có nội dung cơ bản giống nhau, đề nghị nên gộp chung lại và chỉ nêu quy định sự khác biệt.

Tại  Điều 27 Quy hoạch tỉnh, tại Điểm đ của Khoản 2 đề nghị sửa cụm từ “xác định mạng lưới đường tỉnh” thành cụm từ “xác định mạng lưới giao thông của tỉnh” vì giao thông có đường thủy, đường bộ, cảng, bến xe…

Ngoài ra, đề nghị dự thảo luật nên có quy định thời gian nhất định của việc thực hiện từng khu vực quy hoạch, nhất là quy hoạch khu dân cư. Nếu trong thời gian 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm mà chưa triển khai thực hiện thì phải xóa quy hoạch để nhân dân không gặp khó khăn trong việc sửa chữa, xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống. Do những năm qua việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch từng lĩnh vực và quy hoạch các khu, các cụm dân cư từng lúc, từng nơi chưa phù hợp với thực tế của địa phương, đặc biệt là chưa được sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân.

Luật nên có quy định thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm thực hiện quy hoạch. Thực tế đã qua có trường hợp quy hoạch ở từng lĩnh vực cụ thể như giao thông, thủy lợi, đất đai… nhưng xã, phường cho phép xây dựng công trình trái với quy hoạch thì cơ quan nào có thẩm quyền xử lý. Cấp huyện cho phép xây dựng công trình sai quy hoạch thì cơ quan nào xử lý. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm khắc phục hậu quả của việc làm đó.      

Về nguồn lực để lập, thẩm định phê duyệt và triển khai quy hoạch, Luật nên quy định cụ thể việc ngân sách cấp trên phân bổ hằng năm hoặc theo từng chu kỳ (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm) để địa phương (cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc cấp tỉnh tiến hành lập quy hoạch từng khu chức năng, hoặc điều chỉnh quy hoạch hay quy hoạch theo từng ngành, từng lĩnh vực để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn hoặc tầm nhìn 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm (quy hoạch trung, dài hạn). Vì lập quy hoạch và sau đó mới xây dựng từng dự án trong quy hoạch rất tốn kém. Địa phương không đủ khả năng kinh phí để lập quy hoạch.

K.K (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.