Tòa Soạn - Bạn đọc
Những quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Các khu công nghiệp là đối tượng điều chỉnh của Thông tư số 31. Ảnh minh họa: K.K
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỤM CÔNG NGHIỆP
Theo đó, quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường như hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải phải được tách riêng. Trường hợp cụm công nghiệp có phương án tự thu gom, xử lý chất thải rắn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thu gom, xử lý chất thải rắn.
Quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu để bảo đảm nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Việc vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phải có nhật ký vận hành ghi chép đầy đủ. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung phải duy tu, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm luôn vận hành bình thường.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU KINH DOANH, DỊCH VỤ TẬP TRUNG
Khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có biện pháp xử lý đối với toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Có hệ thống thoát nước bảo đảm đủ công suất tiếp nhận nước thải từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong khu. Các cơ sở, hộ kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn, không xả chất thải rắn vào hệ thống thoát nước, chuyển giao chất thải rắn cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Ban quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường để thực hiện các nội dung của phương án bảo vệ môi trường, trách nhiệm bảo vệ môi trường khác theo quy định.
Đối với cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại thông tư này mà có hệ thống xử lý nước thải và lưu lượng nước thải từ 30m3/ngày đêm trở lên, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nước thải thì phải có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải được ghi chép đầy đủ, lưu giữ tối thiểu 2 năm.
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ
Điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề để được công nhận làng nghề bao gồm: Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề được UBND cấp huyện phê duyệt; các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; có hạ tầng về bảo vệ môi trường làng nghề; có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, được trang bị phương tiện và bảo hộ lao động đầy đủ.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại các làng nghề trên địa bàn theo mức độ ô nhiễm môi trường theo tiêu chí đánh giá, phân loại. Việc đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường được thực hiện định kỳ 2 năm/lần; có biện pháp quản lý đối với các cơ sở không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề và không cấp phép cho cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2016.
K.K
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới