Những đề án “xóa nghèo pháp luật”

Thứ Sáu, 16/10/2015 | 16:45

Có thể nói, chưa lúc nào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được toàn xã hội quan tâm như hiện nay. Ở một nhà nước pháp quyền (quản lý xã hội bằng pháp luật), Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện để các giai tầng xã hội đều được thụ hưởng dịch vụ công nhằm đưa pháp luật đi vào đời sống. Những đề án “xóa nghèo pháp luật” do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã ra đời bắt đầu từ đó.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với Sở Tư pháp Bạc Liêu. Ảnh: T.Đ

Bắt đầu từ cán bộ, đảng viên…

Thạc sĩ Phan Phương Thảo - Phó trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Bạc Liêu) phân tích: “Đến thời điểm này, các đề án tuyên truyền, giáo dục pháp luật xem như phủ kín các giai tầng xã hội. Nhưng để xóa nghèo kiến thức pháp luật trong nhân dân được thành công thì trước hết cần “xóa nghèo” ngay trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên và hội viên. Bởi họ là những tuyên truyền viên đưa pháp luật đến với xã hội một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất”.

Quyết định 1133/QĐ-TTg, ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ được xem là hành lang pháp lý cho chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật lớn chưa từng có từ trước đến nay. Quyết định phê duyệt đến gần 20 đề án, chương trình chi tiết giai đoạn từ 2011 - 2016 nhằm thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI). Trước hết và quan trọng nhất là đề án củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước. Các đề án ưu tiên kế đó là hoạt động phổ cập kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên rồi mới đến quần chúng nhân dân. Vì trong các hoạt động đó đòi hỏi vai trò nêu gương thượng tôn, hiểu biết Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức đặt lên hàng đầu.

Kết thúc đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức được hàng ngàn cuộc tuyên truyền. Riêng việc phổ biến, giáo dục và cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở, mỗi năm Sở Tư pháp đều tổ chức hàng chục cuộc, nhiều nhất dành cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Song song với đó, các cấp, các ngành đều có nhiệm vụ vào cuộc theo một đề án, đối tượng và phương thức riêng của mình cùng tạo nên sức lan tỏa lớn góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội. 

…Đến các giai tầng xã hội

Để “xóa nghèo pháp luật” cho toàn xã hội, rất nhiều ngành được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện đề án phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng ngành, từng giới và từng đối tượng cụ thể. Từ dịch vụ công của Nhà nước, Hội Luật gia tỉnh đang tiến tới xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các giai tầng xã hội. Hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành thực hiện tốt đề án do mình chủ trì.

Đáng chú ý, trong đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng, phát huy và nhân rộng mô hình đến từng nhóm nòng cốt, câu lạc bộ pháp luật, các điểm sáng về chấp hành pháp luật tại xã, phường, thị trấn. Không dừng ở đó, một số đề án còn mang pháp luật đến với người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số…

Bà Trần Thị Hoa Ry, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ, đi cùng chính sách an sinh xã hội nhằm xóa nghèo về cái ăn, cái mặc, nhà ở…, mục tiêu và quyết tâm cao nhất của tỉnh là không để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo kiến thức pháp luật, hành động vì thiếu hiểu biết pháp luật. Sau khi được tư vấn, trợ giúp pháp lý do Ban Dân tộc tỉnh tiến hành, người dân tộc thiểu số cơ bản hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, từng bước xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Những tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện không đáng có đã giảm hẳn.

Còn ông Huỳnh Chiêu - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh thì cho rằng, không xa nữa, một khi các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật lan tỏa mạnh trong xã hội ai, cũng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý do Hội Luật gia chủ trì chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống một cách dễ dàng.

Tấn Đạt

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.