Tòa Soạn - Bạn đọc
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ hòa giải viên cơ sở
Toàn tỉnh hiện có 528 tổ hòa giải, với 3.372 hòa giải viên (HGV). Những người “vác tù và hàng tổng” này đã san sẻ bớt gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi trực tiếp giải quyết kịp thời nhiều vụ việc vi phạm, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; đồng thời, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong bà con lối xóm cũng như giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Sở Tư pháp trao Giấy chứng nhận cho các học viên lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật,
nghiệp vụ hòa giải viên ở cơ sở năm 2017. Ảnh: M.N
Trên thực tế, có nhiều vụ việc phát sinh chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, những va chạm, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, trong họ tộc, hoặc giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư. Nếu không được giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể trở thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Do vậy, những người làm công tác hòa giải phải biết vận dụng nhiều biện pháp, dùng lý lẽ để thuyết phục bà con, làm cho họ nhận thấy được việc mình làm là đúng hay sai, dung hòa lợi ích của đôi bên, từ đó mới giải quyết được mâu thuẫn. Còn đối với những vụ việc tranh chấp đất đai, các HGV còn phải kiên trì thuyết phục, động viên để các bên có tranh chấp làm hòa với nhau và giải quyết mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng; đồng thời hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, việc hòa giải thành còn góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở cũng gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến tỷ lệ hòa giải thành công chưa cao. Trong tranh chấp đất đai, các bên đương sự chỉ muốn chuyển vụ việc lên cấp trên để giải quyết theo thẩm quyền, còn hòa giải ở cơ sở chỉ là thủ tục chung theo quy định của Luật Đất đai. Bên cạnh đó, một bộ phận đội ngũ HGV còn hạn chế về kiến thức pháp luật lẫn kỹ năng hòa giải nên đã ảnh hưởng đến tỷ lệ hòa giải thành chưa cao. Trong khi đó, kinh phí cho công tác hòa giải chưa được hỗ trợ phù hợp, chế độ đãi ngộ cho các HGV chưa thỏa đáng với công sức trách nhiệm; mặt khác, một số địa phương chưa thật sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và các chế độ đãi ngộ, khen thưởng thích đáng cho công tác này.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới, thiết nghĩ, Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ngành Tư pháp đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, thực hiện tốt việc chi kinh phí bồi dưỡng cho các HGV theo quy định. Quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ hòa giải ở cơ sở. Ngành Tư pháp cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật cho các HGV và cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu liên quan đến công tác hòa giải. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải.
M.N
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới