Tòa Soạn - Bạn đọc
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp
Một kỳ họp thành viên UBND tỉnh bàn về các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: K.P
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là việc mạnh dạn phân cấp cho chính quyền địa phương, hướng đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền.
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND, HĐND và UBND các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của HĐND và UBND các cấp và từ yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật như việc mạnh dạn phân cấp cho chính quyền địa phương, hướng đến việc tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền. Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính, bảo đảm gắn kết, thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong một chỉnh thể chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đại diện Sở Nội vụ Bạc Liêu đã có nhiều ý kiến tham luận xoay quanh vấn đề trên. Trong đó, vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND được đặt lên hàng đầu. Tăng cường vai trò của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp. HĐND cần nâng cao hơn nữa chất lượng trong xem xét, quyết định các vấn đề của địa phương như quyết định ngân sách, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong cơ cấu chính quyền địa phương, quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, chính sách xã hội, dân tộc, quốc phòng an ninh… Đối với UBND, thông qua vai trò lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của chủ tịch UBND, các phó chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, nhất là thực hiện nhiệm vụ xây dựng, trình HĐND quyết định những nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết này sau khi được thông qua. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Theo luật mới, cần đề cao vai trò cá nhân của Chủ tịch UBND trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo và điều hành công việc của UBND, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, của HĐND và UBND, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính ở địa phương. Tránh sự đùn đẩy, dựa dẫm vào tập thể, không mạnh dạn quyết đoán, xử lý công việc thuộc thẩm quyền như đã xảy ra ở một số nơi trong những năm qua, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước chưa cao, giải quyết công việc chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết công việc.
Ngoài ra, việc cần làm ngay chính là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền theo hướng phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền các cấp đối với hoạt động kinh tế - xã hội. Việc phân quyền, phân cấp cũng phải tính toán để đảm bảo nguồn lực, quy định cụ thể bằng văn bản để đủ điều kiện thực hiện, đó chính là nhằm giảm áp lực trong thực hiện nhiệm vụ của UBND các cấp và của cấp trên.
Cuối cùng, cũng là vấn đề quan trọng là việc chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách hành chính ở các cấp, các ngành, xem công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước, tập trung cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục không cần thiết gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Sử dụng cán bộ, phát hiện kịp thời những nhân tố tích cực, cán bộ trẻ, có năng lực, bố trí đúng sở trường, đúng năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, ngang tầm với yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước.
K.P