Một số điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Thứ Năm, 23/06/2016 | 09:15

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015; Luật được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 9/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. BLTTHS gồm 9 phần, 36 chương và 510 điều (tăng 154 điều, bổ sung 176 điều, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều); tách chương quyết định truy tố khỏi phần khởi tố, điều tra vụ án hình sự để thành một phần độc lập (Phần thứ ba: Truy tố); ghép phần xét xử sơ thẩm và phần xét xử phúc thẩm điều chỉnh trong một phần (Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát oan sai và bồi thường oan sai trong tố tụng. Ảnh: K.P

Hệ thống các nguyên tắc cơ bản trong BLTTHS, từ 30 nguyên tắc hiện hành, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số nguyên tắc mới nhằm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, loại bỏ những quy định không mang tính nguyên tắc. Theo đó, luật mới bổ sung 5 nguyên tắc mới để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đó là, công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26); bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).

Vấn đề tăng quyền và trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hầu hết những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp quyết định. Còn lại là tăng cơ bản thẩm quyền cho thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Cụ thể:

- Điều tra viên được tăng các thẩm quyền yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ; quyết định dẫn giải người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại...

- Kiểm sát viên được tăng các thẩm quyền: Trực tiếp giải quyết và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm; Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; Bắt buộc có mặt khi cơ quan điều tra tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét...

- Thẩm phán được tăng các thẩm quyền: Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội...

Để bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, BLTTHS năm 2015 bổ sung cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo một số quyền như: Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; Đưa ra chứng cứ; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; Bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của Bộ luật này khi có yêu cầu; Bị cáo có quyền trực tiếp hỏi những người tham gia tố tụng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý.

K.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.