Môi trường đang kêu cứu

Thứ Sáu, 20/05/2022 | 16:51

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải, nước thải trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, trong các lĩnh vực: y tế, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ và đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến bước đầu về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai các hoạt động BVMT vẫn còn rất nhiều, từ ý thức của chính người dân trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày cho đến những quan tâm dành cho công tác môi trường không đồng đều giữa các địa phương, các cơ quan, đơn vị.

>>> Bài 2: Đừng để phát triển sản xuất đối nghịch với môi trường

Bài cuối: Mạnh tay để bảo vệ môi trường

Nhận thức được tầm quan trọng của sự tác động từ môi trường đến quá trình phát triển, tỉnh Bạc Liêu đã chọn cho mình hướng phát triển xanh, như kêu gọi đầu tư cho năng lượng tái tạo, phát triển du lịch, nông nghiệp thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, không thể chỉ nói suông, mà cần lắm những hành động cụ thể, từ việc mạnh dạn nhìn nhận những vướng mắc, hạn chế để sớm khắc phục cho đến hoạch định những chính sách phù hợp, cũng như sự đầu tư thích đáng cho hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) thì mới mong đi đến mục tiêu phát triển bền vững.

Vớt rác trên tuyến kênh Nguyễn Chí Thanh nối dài (Phường 1, TP. Bạc Liêu).

Những bài học “nóng hổi”
Trong buổi làm việc mới đây nhất giữa đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT với UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Cao Xuân Thu Vân đã nói: “Không thể đánh đổi môi trường dù với bất cứ giá nào. Bài học của nhiều nơi tại Bạc Liêu cũng còn nóng hổi”. Đó là bài học về dự án đầu tư khu vực xử lý rác thải của huyện Hòa Bình, mục tiêu ban đầu là để giải quyết chống ô nhiễm nhưng kết quả nơi đây lại trở thành khu vực ô nhiễm nhất chỉ vì đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến việc vận hành không đảm bảo. Hay như câu chuyện nuôi tôm siêu thâm canh, ban đầu ngành Nông nghiệp chỉ nhìn thấy lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, chưa thấy sự bất cập do ô nhiễm môi trường nên cứ thế mà phát triển ồ ạt, thiếu sự quy hoạch phù hợp cùng các chế tài xử lý cần thiết. 
Cũng chính tầm nhìn chưa tới đã khiến chúng ta lúng túng, chạy theo sau nên ban hành nhiều quy định, hướng dẫn không đồng bộ dẫn đến bất cập, khó áp dụng trên thực tiễn. Hoặc vấn đề về tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Đã qua, có tình trạng cơ quan được giao phụ trách về môi trường tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện vi phạm của các tổ chức, cá nhân nhưng không đưa ra kết luận xử lý, không xử phạt được do quá thời hiệu, nên chỉ có thể yêu cầu khắc phục hậu quả. UBND tỉnh đã kiểm điểm, khiển trách đơn vị để xảy ra tình trạng này, dù nguyên nhân là gì cũng không thể để tình trạng này tiếp diễn, bởi nó khiến cho việc thanh tra, kiểm tra không còn tính nghiêm minh. 

Đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: C.L

Quá nhiều hạn chế cần lời giải
Trên thực tế, cùng với sự phát triển của xã hội, địa phương nào cũng đứng trước nhiều mâu thuẫn trong việc giải bài toán hóc búa giữa môi trường với lợi nhuận từ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho lợi nhuận cao nhưng lại kèm theo đó là ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, trong khi các địa phương lại chưa có quy hoạch vùng để nuôi tôm siêu thâm canh. Hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung chưa được đầu tư ở cả vùng thành thị lẫn nông thôn, trong khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân càng cao. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, bãi rác tập trung chưa đồng bộ; việc phân loại rác thải tại nguồn trước khi xử lý cũng chưa thể thực hiện được... là những vấn đề nan giải mà các cấp chính quyền vẫn mãi chưa thể đưa ra lời giải hiệu quả.
“Làm khó” thêm cho công tác BVMT là hoạt động thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất thủy hải sản, các hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh chưa được thường xuyên, chủ yếu thực hiện khi có dư luận xã hội; tình trạng nể nang, ngại va chạm trong xử lý vẫn còn diễn ra. Công tác tuyên truyền về BVMT tuy có tăng cường nhưng đôi lúc chưa được thường xuyên, liên tục, tuyên truyền chưa bám sát trọng tâm nội dung, đối tượng cần truyền tải thông tin để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân khi tham gia. Ý thức về BVMT của người dân thời gian qua tuy có nâng lên nhưng chưa thay đổi được thói quen truyền thống. 

Cần nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong hoạt động BVMT
Liên quan đến tình trạng nuôi tôm siêu thâm gây ô nhiễm môi trường đang khiến dư luận bức xúc, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu một mô hình nuôi hạn chế ô nhiễm môi trường với chi phí thấp, dành cho các hộ nuôi nhỏ lẻ để họ áp dụng. Hay đối với chai, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, mô hình thu gom của huyện Vĩnh Lợi cũng cần được nhân rộng, để người nông dân ở nhiều nơi hưởng ứng, làm theo.
Và, song song với việc tuyên truyền, xây dựng mô hình nuôi hiệu quả, bền vững thì vấn đề xử phạt cũng cần kiên quyết hơn. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các ngành chức năng và các đoàn thể có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phát động các phong trào quần chúng tham gia BVMT bằng nhiều hình thức như khơi thông cống rãnh, vớt rác trên sông ngòi, kênh rạch, chợ ven sông và các nơi công cộng trên địa bàn tỉnh nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, các ngày lễ, kỷ niệm về môi trường hằng năm... 
Để giải quyết xử lý rác thải trên địa bàn, tỉnh đã dành nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để đầu tư và đưa vào hoạt động lò đốt rác sinh hoạt bằng khí đốt tự nhiên công suất 500kg/giờ tại huyện Phước Long, huyện Đông Hải và tiếp tục tranh thủ kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để triển khai đầu tư xây dựng lò đốt rác tại huyện Hòa Bình. 
Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ để giải quyết bài toán môi trường. Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa về lĩnh vực môi trường, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của ODA và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, kết hợp ngân sách nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế đối với doanh nghiệp cải tiến công nghệ tạo ra sản phẩm mới, chất lượng, giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng mục tiêu tiến tới xã hội hóa công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. 

Kim Phượng - Chí Linh

Đồng chí Phan Như Nguyện - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề dư luận và cử tri rất bức xúc

Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tỉnh cần có giải pháp đồng bộ để xử lý. Ở góc độ quản lý nhà nước về môi trường, ngành chức năng cần quan tâm hơn đến yếu tố con người trong thực hiện công tác này. Vì thực tế đã qua, qua giám sát của HĐND, mảng môi trường dù là vấn đề rất khó nhưng việc bố trí con người thực thi công việc lại rất chênh. Nói là tài nguyên - môi trường nhưng chủ yếu các địa phương lại thiên về lĩnh vực tài nguyên đất đai, còn lĩnh vực môi trường lại ít quan tâm, quản lý lỏng lẻo; ở cấp huyện nhiều nơi cán bộ phụ trách môi trường còn kiêm nhiệm, còn cấp xã hầu như không có cán bộ về môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm đến việc quản lý thu gom, xử lý rác thải, tính toán đầu tư như thế nào cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường cao. Cuối cùng, và quan trọng nhất, là việc tuyên truyền và nâng cao ý thức BVMT của mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức. Làm sao để việc BVMT trở thành thói quen của chính mỗi người.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.