Tòa Soạn - Bạn đọc
Luật Trưng cầu ý dân 2015: Những việc người dân cần biết
Luật Trưng cầu ý dân (TCYD) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua gồm 8 chương, 52 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Ý nghĩa pháp lý của việc TCYD được xác lập chính là những hình thức để người dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí của mình đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.
Cử tri là đối tượng của Luật Trưng cầu ý dân. Trong ảnh: Quang cảnh một buổi tiếp xúc cử tri tại Bạc Liêu. Ảnh: K.P
Hình thức TCYD được bảo đảm giá trị pháp lý bởi đã được luật định. Về nội dung, vấn đề đưa ra TCYD là vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định. Về hình thức, việc TCYD phải được thực hiện bằng phiếu kín (quy trình tương tự như việc bầu cử). Về giá trị pháp lý, kết quả TCYD có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu. Đối tượng của TCYD là cử tri.
Các vấn đề cần TCYD và người có quyền bỏ phiếu trưng cầu, theo điều 6 của Luật TCYD thì Quốc hội có quyền xem xét đưa ra TCYD những vấn đề sau:
- Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp.
- Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng - an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia.
- Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
- Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Người có quyền bỏ phiếu TCYD là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày TCYD. Những trường hợp loại trừ là người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp đã có tên trong danh sách cử tri nhưng đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu thì bị kết án tử hình hoặc phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi cũng không được bỏ phiếu TCYD. TCYD được thực hiện trong phạm vi cả nước. Việc giám sát tổ chức TCYD được quy định bởi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, thường trực HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức TCYD. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc tổ chức TCYD theo quy định.
Kết quả TCYD là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, để bảo đảm hiệu lực của việc TCYD do cử tri cả nước tham gia, Luật TCYD quy định cuộc TCYD hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung TCYD được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành. Đối với TCYD về Hiến pháp quy định tại khoản 1, Điều 6 của luật này phải được ít nhất 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành.
Về vấn đề hiệu lực, Điều 11 Luật TCYD quy định kết quả TCYD có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra TCYD và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả TCYD. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả TCYD.
Kim Kim
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới