Không được đến trường vì... định kiến xã hội

Thứ Năm, 10/12/2015 | 09:00

Suốt 5 năm ròng, vợ chồng chị P.T.O đã cầm đơn “gõ cửa” nhiều nơi để xin cho con được quyền đến trường. Con chị không được đến trường chỉ vì một định kiến xã hội dành cho người nhiễm HIV...

Chị O. phải tự mình dạy con học vì cháu không được đến trường. Ảnh: K.P

Các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật của hầu hết các quốc gia quy định, trong đó có Việt Nam. Theo khoản 4, khoản 5 Điều 2 Luật Phòng, chống HIV/AIDS: “Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV”.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu chúng ta không xóa bỏ được sự kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến tình trạng người nhiễm HIV/AIDS bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, quyền được học hành, quyền được tự do đi lại... thì con người không những không hạn chế được dịch HIV/AIDS mà còn làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Phân biệt đối xử đẩy người nhiễm HIV/AIDS vào bóng tối, tạo ra tâm lý thù địch xã hội với nhiều người trong số họ, vì thế họ trở nên rất nguy hiểm với cộng đồng. Do đó, việc chiến thắng đại dịch HIV/AIDS rất cần tinh thần và thái độ không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS của tất cả mọi người, mọi cộng đồng.

Thực tế đã chứng minh, nhiều người vì bị định kiến, bị chối bỏ mang tâm lý nặng nề, đơn giản là họ thường không muốn sống, thường tìm đến cái chết. Nhưng tiêu cực hơn, họ quay sang trả thù đời, trả thù theo cách mang mầm bệnh HIV đi lây lan cho những người khác.

Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản lớn nhất cho việc tiếp cận tới các dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử tuy đã giảm nhưng vẫn còn phổ biến và vẫn đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV. Nhiều người chỉ chịu tham gia điều trị khi họ đã bệnh quá nặng và không thể giấu được các triệu chứng. Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, như người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới hay người bán dâm, còn phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nặng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý.

Trong trường hợp của gia đình chị O., pháp luật hoàn toàn bảo vệ quyền được đến trường của các con chị O., nhưng gia đình họ lại vấp phải sự kỳ thị từ phía các phụ huynh. Rõ ràng, tuy không nói ra, nhưng người bị nhiễm HIV thường bị xa lánh, những người xung quanh không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV. Có những trường hợp gây sức ép, tạo cớ để người nhiễm HIV xin nghỉ việc, nghỉ học hoặc bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.