Khi rác thải không được xử lý đến nơi đến chốn

Thứ Tư, 04/10/2017 | 15:12

Nhiều ngày qua, người dân cũng như cán bộ Chi cục Thuế huyện Hòa Bình liên tục phản ánh tình trạng rác thải chất đống trước trụ sở Đội Thuế số 1 (thị trấn Hòa Bình) không được thu gom kịp thời, ảnh hưởng mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường. Và tình trạng này cũng xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, gây bức xúc cho nhiều người…

Đống rác trước trụ sở Đội Thuế số 1 (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) không chỉ gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.K

Một cán bộ Chi cục Thuế huyện Hòa Bình bức xúc cho biết: Nguồn rác thải này là của một số hộ dân sống trong hẻm. Do các hộ này thiếu ý thức, né tránh việc đóng phí vệ sinh, hễ trong nhà có rác là mang bỏ ra ngoài đường nên nhân viên Trung tâm Dịch vụ đô thị huyện không chịu trách nhiệm thu gom. Việc rác thải chất đống ngoài đường, trước trụ sở cơ quan Nhà nước không chỉ là vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn gây ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, khi thị trấn Hòa Bình cũng là trung tâm hành chính của huyện.

Tương tự, tình trạng rác thải còn bị phản ứng gay gắt ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân tại xã Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai). Điều đáng nói hơn, bởi những bức xúc về rác thải lại đến từ bờ bên kia của con sông, nơi xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long) với cảnh mua bán sầm uất của chợ Chủ Chí. Theo phản ánh của nhiều người dân sống dọc theo tuyến sông, thì hiện tại nguồn nước bị ô nhiễm do các hộ tiểu thương phía chợ Chủ Chí xả đổ rác thải trực tiếp xuống sông.

Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các địa phương đang dần đi vào nền nếp, nhưng do lượng rác ngày càng tăng, trang thiết bị, năng lực thu gom hạn chế, dẫn đến nhiều bất cập. Ở các khu vực nông thôn việc thu gom, xử lý rác lại càng khó khăn hơn.

Những bất cập và việc xử lý tình trạng rác thải để không đúng nơi quy định, hoặc không có phương án để xử lý rác thải đã khiến những vùng nông thôn đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Rác thải bị vứt ra khắp nơi do sự thiếu ý thức của người dân. Có đủ loại từ túi nylon, xác động vật chết, rác thải từ sinh hoạt hàng ngày được xả trực tiếp ra ngõ xóm, đường làng đến kênh rạch, ao hồ... bất chấp những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt hàng ngày. Dọc các kênh, mương cũng không ngoại lệ, như con kênh dưới chân cầu Xã Bảo (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) rác thải dày đặc, gây ách tắc khiến xuồng ghe không thể lưu thông. Hay như khu dân cư phường 5 (TP. Bạc Liêu), nhiều cá nhân lợi dụng lúc đêm khuya vắng người, đã vận chuyển những xe rác là vỏ sầu riêng, hàng hóa hết hạn sử dụng… đổ vào các bãi đất trống ven đường gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt của những hộ dân sống gần đó.

Trở lại với tình trạng rác thải không được xử lý đến nơi đến chốn tại Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long), về phía chính quyền địa phương cho rằng, xã có xây dựng bãi rác tập trung, có thành lập hợp tác xã môi trường để thu gom rác. Tuy nhiên, lại không có đường để vận chuyển rác ra bãi xử lý vì lộ thi công dang dở, trong khi địa phương không có quỹ đất để thực hiện xử lý tại chỗ. Do đó, người dân, nhất là tiểu thương đã đổ rác trực tiếp xuống sông.

Không thể đổ thừa cho những khó khăn của địa phương để lý giải cho việc rác thải không được xử lý, trở thành gánh nặng cho môi trường nông thôn. Việc hình thành nên ý thức tốt về bảo vệ môi trường đã khó, nhưng khó hơn cả vẫn là thái độ, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc xử lý đối với những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về môi trường. Và đặc biệt, thái độ thờ ơ, vô cảm của bản thân mỗi người với những hành vi sai trái trong việc xả rác thải cũng chính là thái độ vô trách nhiệm với môi trường sống của mình, gây nguy hại cho xã hội.

Tuấn Kiệt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.