Tòa Soạn - Bạn đọc
Khi nào hết cảnh chợ “chạy”?
Chợ “chạy” - kiểu chợ tự nhóm họp trên lòng lề đường - đang là nỗi bức xúc của người dân TP. Bạc Liêu. Chợ “chạy” không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất trật tự an toàn giao thông. Qua một thời gian dài vận động, sắp xếp, kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, thế nhưng tình trạng chợ “chạy” vẫn không giảm.
Lòng đường Hoàng Văn Thụ (phường 3) biến thành chợ “chạy”. Ảnh: Đ.H
Các chợ “chạy” trong nội ô TP. Bạc Liêu đã gây nên cảnh mua bán bát nháo, khó coi và tác động tiêu cực đến việc xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh. Đó vẫn là các khu chợ đã nhiều lần được đề cập như chợ phường 1, chợ Cầu Xáng, chợ nhóm phường 3… Cứ vào các buổi sáng, hay giờ tan tầm là các chợ “chạy” này cũng vào giờ cao điểm. Đa số người mua là cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên. Khách mua hàng chỉ việc dừng xe, chỉ món hàng mình chọn và sau khi trả giá thì người bán đem hàng lại treo trên xe. Người mua không chỉ miễn được phần gửi xe mà còn tiết kiệm được thời gian đi chợ.
Đặc điểm của chợ “chạy” là người bán không có sạp, không có ô dù che mưa nắng, phải chịu cảnh khói bụi, nhưng bù lại, dễ bán được hàng. Sôi nổi nhất là ở chợ “chạy” phường 1, nơi bán rất nhiều mặt hàng tự sản tự tiêu. Ở đây bán từ những loại rau đồng đến các loại cá, gà, vịt. Chị Khanh, một khách hàng, chia sẻ: “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay rất đáng lo ngại. Vì vậy, chúng tôi chọn mua thực phẩm của những người tự sản tự tiêu để yên tâm về chất lượng”.
Trước thực trạng trên, UBND phường 1 đã chỉ đạo lực lượng chức năng của phường tuần tra, đóng chốt để xử lý. Đồng thời, công an phường cũng lập biên bản xử lý người bán, người mua đậu xe lấn chiếm lòng lề đường. Song, tình hình vẫn không thay đổi mấy, người dân vẫn bán khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Cùng với chợ phường 1 là khu vực chợ Cải cũ (phường 3). Mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nghiêm cấm, xử lý việc mua bán dưới lòng đường, vỉa hè nhưng tình trạng chợ “chạy” vẫn diễn ra. Vào những giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe, tắc đường lại xảy ra. Ngay cả đoạn đường Ninh Bình trước cửa Ban An toàn giao thông tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng bị lấn chiếm. Có lúc, cán bộ hai cơ quan trên đến làm việc không có chỗ đậu xe.
Các loại thực phẩm tươi sống bán ở chợ “chạy” rất dễ nhiễm khuẩn khi bày bán dưới lòng đường, hoặc giết mổ tại chỗ, hay thực phẩm chín bày bán chung với thực phẩm tươi sống. Cùng với đó là việc người bán xả rác, thải nước bừa bãi gây nên cảnh ô nhiễm, hôi thối. Nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực chợ “chạy” rất bức xúc vì sau mỗi buổi chợ thì cảnh rác thải, nước thải ngập ngụa trên đường với mùi tanh hôi nồng nặc.
Chợ “chạy” tồn tại là một trong những nguyên nhân khiến việc quy hoạch chợ của địa phương rơi vào cảnh khó khăn. Đã có không ít phương án xóa bỏ chợ “chạy”, song không phải ngẫu nhiên mà các chợ tạm, chợ “chạy” vẫn tồn tại. Và như thế, câu hỏi “khi nào hết cảnh chợ chạy?” vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng.
Thanh Hải
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới