Tòa Soạn - Bạn đọc
Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
Trong các đợt tiếp xúc trước thềm Kỳ họp Quốc hội, cử tri nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bạc Liêu đã có những kiến nghị liên quan đến vấn đề các giải pháp phù hợp để người nông dân chủ động hơn trong ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào lĩnh vực nông nghiệp.
Sử dụng máy bay công nghệ phun xịt thuốc cho lúa. Ảnh: K.K
Xung quanh vấn đề này, Bộ NN&PTNT cho biết: Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tích cực ứng dụng thành tựu KH-CN và đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2018 - 2023, Bộ đã công nhận được 206 giống mới, 195 tiến bộ kỹ thuật, 39 sáng chế, giải pháp hữu ích. Nhiều giống cây trồng - vật nuôi mới, tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ đưa vào sản xuất có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận những thành tựu mới của KH-CN; thay đổi tập quán, thói quen canh tác truyền thống không hiệu quả; góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung.
Ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua có đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là bà con nông dân. Người nông dân đã tích cực tham gia các khóa đào tạo về nông nghiệp công nghệ để nắm vững kiến thức và kỹ năng mới, giúp họ áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; sử dụng công nghệ nông nghiệp mới như cảm biến, IoT, trí tuệ nhân tạo và máy móc tự động hóa để thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá cải thiện chất lượng sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu các rủi ro, giảm tổn thất, tăng năng suất, chất lượng…
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ cả giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để người dân chủ động ứng dụng KH-CN trong sản xuất. Cụ thể là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN trong nông nghiệp, tập trung vào khâu giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến, quy trình canh tác, gói kỹ thuật… Song song đó, ban hành các hương dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật trong các sản phẩm KH-CN để người dân có thể áp dụng ngay, thuận lợi trong sản xuất. Xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh. Hỗ trợ hợp tác xã, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chứng nhận, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông; phát triển khuyến nông số…
Giải pháp lâu dài, phải có sự hỗ trợ của các ngành như: Ngân hàng Nhà nước tăng cường chính sách tín dụng thúc đẩy hộ nông dân, hợp tác xã; Bộ KH-CN tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo, ban hành các chính sách cụ thể đầu tư vào công nghệ mới, mua sắm trang thiết bị và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hiện, Bộ đang triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN&PTNT” giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu của dự án là thiết lập hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành Nông nghiệp để từng bước chuyển đổi số trong nông nghiệp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý; tạo thuận lợi cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, nông dân số.
KIM TUẤN
- Chiến lược hạ tầng số: Xây dựng một quốc gia số hiện đại và phát triển bền vững
- Khởi tạo chữ ký số VNPT trên ứng dụng VNeID
- Sở NN&PTNT kiểm tra, khắc phục hậu quả do mưa lớn và triều cường gây ra
- Bạc Liêu hoàn tất bầu cử trưởng khóm/ấp nhiệm kỳ 5 năm
- Huyện Hòa Bình: Long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” liên khu dân cư