Tòa Soạn - Bạn đọc
Giành quyền nuôi con sau ly hôn
Hỏi: Em gái tôi thường xuyên bị chồng bạo hành, cuộc sống không hạnh phúc nên muốn ly hôn. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào kinh tế của người chồng, nên em tôi sợ không được quyền nuôi con (bé gái 5 tuổi). Xin hỏi bằng cách nào thì em tôi có thể giành quyền nuôi con sau ly hôn?
Thúy Hạnh (huyện Vĩnh Lợi)
Trả lời: Theo như bạn trình bày thì người em rể đã có hành vi bạo lực với em gái của bạn, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do vậy, em của bạn có thể nộp đơn để yêu cầu ly hôn. Hành vi bạo lực của người chồng, tùy theo tính chất mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với vấn đề muốn được quyền nuôi con, Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Đối với trường hợp của em của bạn, do đứa con 5 tuổi nên Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định người trực tiếp nuôi con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần.
Để giành được quyền nuôi con, em của bạn phải chứng minh được một số vấn đề như: Các điều kiện về vật chất, ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… các yếu tố này sẽ được xét trên điều kiện về chỗ ở, tài sản, thu nhập của cha mẹ. Phải chứng minh được người mẹ có điều kiện về tài chính, và mức thu nhập, nơi cư trú của cô ấy phải đủ để đảm bảo điều kiện về nuôi dưỡng và học tập, vui chơi cho con. Căn cứ vào các điều kiện tinh thần bao gồm thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ. Trong trường hợp này, em gái bạn có thể chứng minh thêm cô ấy là người có đầy đủ đạo đức để nuôi dạy con, còn người chồng thì thiếu tư cách đạo đức khi có hành vi bạo lực gia đình để Tòa xem xét.
Thân ái!
Luật gia KIM PHƯỢNG
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới