Giám sát hoạt động xét xử của Tòa án: Những vấn đề cần được chấn chỉnh

Thứ Sáu, 06/10/2017 | 16:31

Trong tháng 9 qua, đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh tiến hành giám sát hoạt động xét xử của các tòa án trong phạm vi toàn tỉnh. Mục đích của giám sát là nhằm theo dõi việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tiến hành tố tụng đối với các loại án hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động… Ở những nơi đoàn giám sát đến làm việc, có nhiều vấn đề vướng mắc rất cần được tháo gỡ mà nguyên nhân đến từ nhiều phía.

Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.P

LỖI CHỦ QUAN CỦA THẨM PHÁN

Theo báo cáo của ngành Tòa án, trong tổng số 6.701 vụ án mà tòa đã thụ lý, có 68 vụ bị hủy, chiếm tỷ lệ 1,01%, có 144 vụ bị sửa, chiếm tỷ lệ 2,15%. Có nhiều vụ án sau khi xét xử, bị tòa cấp trên hủy án, sửa án mà nguyên nhân do lỗi chủ quan của thẩm phán. Đây là vấn đề được rất nhiều sự quan tâm ở các kỳ họp của HĐND tỉnh, của cử tri, của người dân. Vậy lỗi chủ quan của thẩm phán có ảnh hưởng gì đến hoạt động xét xử?

Nguyên nhân sửa án do lỗi chủ quan trong các bản án hình sự được nhận định là do thẩm phán đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm chưa đúng, xác định tính chất, mức độ không phù hợp. Còn hủy án do nhận thức đánh giá chứng cứ sai, thiếu phần trưng cầu giám định độ tưổi, giám định pháp y, giám định hàm lượng, không làm rõ vật chứng bị thu giữ mà có khả năng làm thay đổi tình tiết, nội dung của vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm… Đối với các vụ án dân sự, nguyên nhân sửa, hủy do xác định chi phí đo đạc, định giá có sai sót, chưa xác định đúng vị trí đất tranh chấp, giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đánh giá thiếu chứng cứ, tài liệu của vụ án, không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ tham gia tố tụng, án tuyên không đầy đủ.

Lỗi chủ quan của thẩm phán là những sai sót của thẩm phán trong quá trình xét xử. Những sai sót này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xét xử, khiến bản án bị sai (có thể vi phạm về mặt thủ tục tố tụng, cũng có thể vi phạm về nội dung: đánh giá chứng cứ, nhận định các tình tiết…).

VƯỚNG MẮC TRONG PHỐI HỢP

Qua giám sát, đoàn giám sát phát hiện, trong số không ít trường hợp thiếu sự phối hợp lại xuất phát từ nhận thức pháp luật không giống nhau của các cơ quan hữu quan. Điển hình như tại Tòa án nhân dân TP. Bạc Liêu, trong các vụ án tranh chấp có liên quan đến đất đai, tòa án không tiến hành đo đạc, thẩm định, đánh giá tài sản được dẫn đến án bị tồn đọng kéo dài. Nguyên nhân do các cơ quan chuyên môn, cụ thể là Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng Tài nguyên - Môi trường không phối hợp, cho rằng không có chức năng đo đạc. Hay như tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Lợi, nếu tài sản tranh chấp là đất đai mà không có nhà cửa, công trình trên đất thì không nhận được sự phối hợp của cơ quan Tài chính tham gia trong Hội đồng định giá tài sản. Những bất cập này dẫn đến tình trạng nhiều vụ án không thể tiếp tục giải quyết nên bị tồn đọng, kéo dài gây cản trở hoạt động tố tụng của tòa án, gây thiệt hại cho đương sự, gây bức xúc trong nhân dân cần phải được chấn chỉnh trong thời gian sớm nhất.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.