Giải đáp một số thắc mắc xung quanh về bầu cử

Thứ Ba, 05/04/2016 | 08:49

Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, một số bạn đọc đã bày tỏ thắc mắc vài vấn đề liên quan đến bầu cử. Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ làm việc và được ông Trịnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Nội vụ trả lời dưới đây.

Ông Trịnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ. Ảnh: K.P

Ông Huỳnh Thanh Tú (phường 3, TP. Bạc Liêu) hỏi: Ba tôi bệnh phải nằm một chỗ. Vậy ba tôi sẽ thực hiện quyền bầu cử như thế nào? Bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện có được tham gia bầu cử không?

Ông Trịnh Thanh Phong: Người bệnh không thể ra khỏi nhà được thì tổ bầu cử có trách nhiệm mang thùng phiếu lưu động đến nhà để cử tri bỏ phiếu. Trường hợp người bệnh phải nằm bệnh viện thì theo quy định của Luật Bầu cử, các cơ sở điều trị bệnh nếu có từ 50 cử tri trở lên được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Một bạn đọc có địa chỉ email là haihuybl86@gmail.com hỏi: Ở khu vực tôi sinh sống có người bệnh tâm thần nhưng không có xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?

Ông Trịnh Thanh Phong: Người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Những bệnh nhân tâm thần thường sống tự do trong nhân dân địa phương, nếu không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế mà gia đình cam kết và mọi người sống trong khu vực đó xác nhận họ là người bệnh tâm thần thì họ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Ông Nguyễn Trọng Văn (TX. Giá Rai) hỏi: Vào thời điểm bầu cử, nếu tôi không có mặt tại địa phương đã có thẻ cử tri mà đến công tác ở một tỉnh khác thì tôi phải làm gì để thực hiện quyền bầu cử?

Ông Trịnh Thanh Phong: Mỗi cử tri được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Nếu cử tri vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Và tại nơi mới đến, phải xuất trình giấy với UBND xã để được bổ sung danh sách cử tri.

Bà Huỳnh Thúy Mai hỏi: Con tôi đang du học ở nước ngoài, nếu trở về Việt Nam vào thời điểm tổ chức bầu cử thì có được quyền đi bầu cử hay không?

Ông Trịnh Thanh Phong: Trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, có thể đến UBND cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam ghi tên vào danh sách cử tri để được tham gia bầu ĐBQH và đại biểu HĐND.

Đại diện một số người cao tuổi tại TP. Bạc Liêu hỏi: Trong danh sách những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, nếu cử tri muốn khiếu nại, tố cáo thì phải làm sao? Thời hạn nhận giải quyết đến khi nào thì kết thúc?

Ông Trịnh Thanh Phong: Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử ĐBQH, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử các cấp (đặt tại trụ sở của chính quyền địa phương tương ứng với cấp tham gia bầu cử).

Thời hạn giải quyết khiếu nại sẽ kết thúc ngày 12/5/2016. Những vấn đề còn khiếu nại sẽ được để lại qua bầu cử mới giải quyết theo thẩm quyền.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kim PhưỢng (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.