Tòa Soạn - Bạn đọc
Đóng góp về dự thảo Luật Cảnh vệ
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vừa tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp của các ĐBQH, lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn đối với dự thảo Luật Cảnh vệ. Đa số đại biểu nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật. Bên cạnh đó, các ĐBQH tỉnh cũng có một số ý kiến đóng góp, bổ sung.
Tại điều 11 “Biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, điểm d, khoản 1 của điều luật quy định: “Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ”, nhằm bảo đảm an toàn tuyện đối cho đối tượng cảnh vệ, đại biểu đề nghị thêm cụm từ “và xe khóa đuôi” sau cụm từ “cảnh sát dẫn đường”; và bổ sung thêm cụm từ “và phương tiện khóa đuôi” sau cụm từ “phương tiện dẫn đường”. Như vậy điểm d được diễn đạt lại như sau: Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường và xe khóa đuôi; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường và phương tiện khóa đuôi hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ”.
Điều 22 “Huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ”, tại khoản 1, điều 22 quy định: “Trong trường hợp cấp bách, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đang chở người cấp cứu” sau cụm từ “trừ trường hợp phương tiện…”. Vì trong thực tế, nếu trưng dụng loại xe này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người khác. Bổ sung như vậy để thể hiện tính nhân văn, coi trọng mạng sống của người dân.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một số điểm như: “Về đối tượng cảnh vệ” (điều 10), các đại biểu nhất trí với các đối tượng được quy định trong dự thảo Luật với quy định những đối tượng này là đã đầy đủ và khả năng đáp ứng với lực lượng cảnh vệ hiện nay.
Đối với lực lượng cảnh vệ và tổ chức cảnh vệ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (điều 16, 17, 18), đại biểu nhất trí với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), bởi lẽ đối tượng cảnh vệ ở địa phương không thường xuyên, trong lúc ở đây đã có lực lượng cảnh sát bảo vệ. Do đó, khi có đối tượng cảnh vệ tại địa phương thì lực lượng cảnh vệ phối hợp với lực lượng công an địa phương để tham gia bảo vệ, đồng thời nhất trí giải trình của Ủy ban TVQH về tổ chức cảnh vệ.
Về quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ (điều 22): lưu ý thẩm quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh vệ đối với các địa phương khi có đối tượng cảnh vệ đang hoạt động, trong trường hợp khẩn cấp đảm bảo tuyệt đối an toàn.
K.K (lược ghi)
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới