Đóng góp Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Thứ Sáu, 05/05/2017 | 16:32

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các ĐBQH, lãnh đạo một số sở, ban ngành cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn đối với Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi.

Hội nghị lấy ý kiến đóng góp các dự án luật tại Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: K.P

Dự thảo Luật TGPL khi được thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác TGPL phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách. Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp một số ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật TGPL.

Tại Điều 7 - Người được TGPL, Dự thảo luật quy định: 2. Người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn” và được ghi thành: 2. Người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bởi, trên thực tế có nhiều người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng lại có thu nhập cao, có những người thu nhập rất cao, kinh tế rất ổn định. Do đó, trong Dự thảo luật cần quy định rõ người dân tộc thiểu số phải có hoàn cảnh khó khăn thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng chính sách TGPL miễn phí.

Có thể thấy, những đối tượng được quy định trong luật và một số đối tượng khác chưa được quy định trong Dự thảo luật là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội (như nạn nhân trong các vụ mua bán người, những người mắc bệnh HIV, người đồng tính, người nghiện ma túy, phụ nữ phải hành nghề mại dâm…). Ngoài ra, để đến được với dịch vụ TGPL khi mà họ không thuộc đối tượng được trợ giúp theo dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) thì rất khó khăn, bất cập. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tình hình mua bán người diễn biến phức tạp cũng như việc người mắc bệnh HIV đang gặp những khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ TGPL. Việc quy định rõ trong luật sẽ giúp những nhóm người này dần tháo gỡ vướng mắc của mình. Có thể thấy, nạn nhân trong các vụ mua bán người sau khi được giải cứu hoặc thoát được thường gặp những khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết về pháp luật, mặc cảm, xa lánh mọi người… do vậy, rất cần nhận được sự TGPL. Việc TGPL sẽ giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm của bản thân. Đồng thời hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho các nạn nhân bị lừa bán, bố trí công ăn việc làm để họ sớm ổn định cuộc sống.

Đối với những người mắc bệnh HIV, việc tiếp cận dịch vụ TGPL còn nhiều khó khăn, bởi họ luôn mặc cảm, tự ti. Bên cạnh đó, khi thực hiện thủ tục pháp lý (như phải xuất trình kết quả xét nghiệm HIV dương tính và đến Trung tâm TGPL Nhà nước nằm trong khu hành chính công) họ rất ngại đến vì sợ lộ danh tính. Người mắc bệnh HIV cũng thường gặp những khó khăn về giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu, gặp nhiều rào cản về chính sách bảo trợ xã hội.

K.K (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.