Đóng góp dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại nghị trường Quốc hội

Thứ Hai, 05/06/2017 | 16:36

* ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Cần gắn văn hóa với phát triển du lịch

Trong phát biểu đóng góp dự án Luật Du lịch (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Văn hóa dân tộc phải được thẩm thấu vào cung cách làm kinh tế du lịch, song song với việc tiếp cận công nghệ làm du lịch của một số nước, để phát triển du lịch Việt Nam. Có như vậy mới tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, làm cho các sản phẩm du lịch không còn đơn điệu, nâng cao tính cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế”.

Các ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tại các buổi thảo luận tổ. Ảnh: Hùng Võ

VỀ NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Tại khoản 1, Điều 4 Dự thảo Luật về “Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm”, đề nghị bổ sung cụm từ “ngang tầm với trình độ của khu vực” để trở thành câu hoàn chỉnh “Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; ngang tầm với trình độ của khu vực”. Do hiện nay hoạt động du lịch ngày càng phát triển, cạnh tranh giữa các quốc gia, điểm đến ngày càng gay gắt, quản lý du lịch chưa chuyên nghiệp nên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế du lịch (rác ngập các bãi biển sau một kỳ nghỉ lễ; chỉ khai thác mà chưa có ý thức bảo vệ tài nguyên; nhân lực chưa được đầu tư ngang tầm - nhất là về ngoại ngữ...). Nếu không ngang tầm sẽ tụt hậu, bên cạnh đó, nhân tố chính của cạnh tranh phát triển trong kinh tế tri thức hiện giờ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn là “cá lớn nuốt cá bé”...

VỀ VIỆC GẮN VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Trong nội dung trình tại kỳ họp thứ 2, Khoản 2, Điều 3 của Dự luật có ghi: “Ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc...”. Đây là một chế định rất quan trọng của phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, ở dự thảo trình kỳ họp lần này đã không còn nội dung đó nữa.

Đại biểu cho rằng, vấn đề gắn văn hóa với phát triển du lịch là hết sức cần thiết, bởi chính sách phát triển tài nguyên du lịch văn hóa đều có đề cập phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và các dịch vụ liên quan để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, đơn nhất, không trùng lắp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là thế mạnh riêng của mỗi vùng, miền.

Bởi khách đi du lịch, bên cạnh các yếu tố về vật chất, đang ngày càng có nhu cầu lớn về dịch vụ, thông tin, tri thức... Đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm cuộc sống để tìm hiểu văn hóa. ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cũng rất quan ngại trước thực trạng một số loại hình văn hóa - văn nghệ dân gian đang bị biến tướng và khai thác để phục vụ khách du lịch một cách tùy tiện, thiếu hẳn hồn tính dân tộc...

Ví dụ, đờn ca tài tử thì khuếch đại âm thanh bằng thiết bị điện tử; Cồng chiêng Tây nguyên thì chủ yếu là trò chơi sinh hoạt cộng đồng, bên cạnh một số điệu múa trên nền nhạc thu sẵn chứ không gắn với cồng chiêng... Chúng ta lại đang quá thiếu những cơ sở văn hóa biểu diễn nghệ thuật dân gian đúng nghĩa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của du khách.

Xét cả về lý và tình, khách du lịch nước ngoài phải được tiếp cận với “bản gốc” của văn hóa phi vật thể Việt Nam, để họ hiểu đúng về văn hóa Việt Nam, về sức mạnh nội sinh Việt Nam; để họ xác tín về một niềm tin đối với đất nước, con người Việt Nam trong hội nhập...; để họ trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam với quốc tế, mở ra cơ hội phát triển cho đất nước ta, cho kiều bào Việt Nam ta ở nước ngoài. Còn đối với khách du lịch trong nước thì phải được và phải có quyền tiếp cận với “bản gốc” của văn hóa dân tộc để nhận thức đúng và thêm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh; để cho dòng văn hóa Việt không bị “tam sao thất bổn”... Đó mới chỉ là một vấn đề trong rất nhiều vấn đề, liên quan đến văn hóa gắn với phát triển du lịch.

K.P (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.