Tòa Soạn - Bạn đọc
Di chúc nào có giá trị pháp lý?
Hỏi: Ông ngoại tôi trước khi mất có viết di chúc để lại cho cậu Út tôi một căn nhà (có công chứng năm 2011). Khi di chúc được công bố thì dì Hai của tôi phát hiện ra thêm một di chúc nữa. Di chúc này được viết bằng tay do một người bà con giữ, do ông ngoại tôi tự viết, rồi ký tên điểm chỉ. Di chúc thể hiện căn nhà được chia cho dì Hai ½ (vì dì Hai không có gia đình) và ½ mới để cho vợ chồng cậu Út. Ngày tháng lập di chúc này vào năm 2013.
Ông ngoại tôi mới mất vào đầu năm 2015, trước đó ông vẫn còn rất minh mẫn. Gia đình bên ngoại đều ủng hộ di chúc năm 2013 nhưng vợ chồng cậu Út cho rằng, di chúc có công chứng năm 2011 mới có giá trị.
Xin hỏi, vậy di chúc nào của ông ngoại tôi mới có giá trị pháp lý và được áp dụng?
(Nguyễn Thị Thanh Hằng, TP. Bạc Liêu)
Trả lời: Điều 652 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định di chúc được xem là hợp pháp khi đảm bảo: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép khi viết di chúc, nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc cũng không trái quy định của pháp luật.
Trong giới hạn tư vấn này, chúng tôi giả định rằng, cả hai di chúc đều do ông bạn lập một cách tự nguyện. Vấn đề ở đây đặt ra, một di chúc có công chứng còn một di chúc do ông bạn tự lập ra, di chúc nào có giá trị pháp lý và được công nhận?
Điều 650 BLDS quy định hình thức của di chúc bằng văn bản như sau: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Dựa vào quy định về hình thức của di chúc bằng văn bản, có thể thấy cả hai di chúc đều có giá trị pháp lý, kể cả di chúc do ông bạn tự lập. Tuy nhiên, di chúc nào được công nhận và áp dụng lại là chuyện khác.
Tại điều 662 quy định người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Như vậy, đối chiếu các quy định trên, năm 2011, ông ngoại bạn viết di chúc để lại căn nhà cho cậu Út thừa kế, nhưng đến năm 2013, ông tự viết một di chúc khác phân chia di sản lại thì di chúc viết năm 2013 (di chúc sau cùng) sẽ có hiệu lực pháp luật. Vì theo quy định pháp luật, một người có quyền viết di chúc, cũng có quyền thay đổi di chúc. Trong trường hợp có nhiều di chúc đối với một tài sản, thì bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, nếu cậu Út bạn có căn cứ cho rằng, di chúc năm 2013 là không hợp pháp (vi phạm điều 652 BLDS) thì có quyền khởi kiện ra tòa để nhờ tòa phân xử.
Thân ái!
Luật gia KIM PHƯỢNG
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới