Tòa Soạn - Bạn đọc
Đấu tranh phòng chống tham nhũng: Cần tạo cú hích
Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác nội chính và phòng chống tham nhũng năm 2015. Ảnh: L.A
Mặt trái của cơ chế thị trường đã nảy sinh tham nhũng ở nhiều nơi, nhất là những lĩnh vực mà pháp luật quy định thiếu chặt chẽ và sự quản lý của Nhà nước còn bộc lộ yếu kém, buông lỏng hoặc không đủ khả năng để theo kịp sự vận động của cơ chế thị trường. Mặc dù việc phát hiện các hành vi tham nhũng trong tỉnh thời gian qua không nhiều, nhưng không phải vì thế mà tham nhũng có dấu hiệu giảm. Nguy cơ tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn cao, phần nhiều do chưa phát hiện ra nên khó có thể xử lý.
Để bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả, trước hết phải đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa, tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Bên cạnh việc củng cố tổ chức bộ máy Đảng và chính quyền các cấp, thì Đảng và Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả và có tính khả thi cao. Đấu tranh PCTN phải tạo được cú hích mạnh mẽ từ toàn thể xã hội, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lối sống nhân văn, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, làm cho mọi người đều hiểu luật nói chung và Luật PCTN nói riêng. Trong đó, cần tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nêu gương sáng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, từ đó giúp quần chúng nhân dân tin tưởng hơn đối với sự nghiệp đấu tranh PCTN.
Nghiêm chỉnh thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Cán bộ, đảng viên, công chức phải kê khai, báo cáo với cấp ủy, tổ chức nơi mình công tác, sinh hoạt về các khoản thu nhập ngoài lương, nguồn gốc tài sản, thu nhập. Những trường hợp khai không đầy đủ, trung thực, có biểu hiện giấu giếm, khai không rõ nguồn gốc phải được xác minh làm rõ và kiểm điểm để xác định tính chất, mức độ vi phạm, xử lý nghiêm minh. Những trường hợp có tài sản bất minh, qua kiểm tra phát hiện hoặc do quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác thì cấp ủy, thủ trưởng cơ quan phải có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời kiểm tra làm rõ số lượng, nguồn gốc và có biện pháp xử lý người và tài sản bất minh đó.
Thực hiện dân chủ rộng rãi, lấy dân làm gốc, dựa vào dân để giám sát công việc của cán bộ, đảng viên với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Quy chế dân chủ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong các doanh nghiệp. Công khai hóa tài chính, đặc biệt ở cơ sở (xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị). Dân được bàn và quyết định các khoản thu, chi của xã, phường. Lập các “đường dây nóng”, địa chỉ gửi đơn tố giác công khai để quần chúng nhân dân biết, kịp thời tố giác cho cơ quan bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật nắm bắt thông tin các vụ việc, vụ án hoặc các hành vi tham nhũng.
Xây dựng cơ chế bảo vệ người chống tiêu cực, tham nhũng. Những người bị tố giác về tham nhũng mà có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập dưới bất kỳ hình thức nào đối với người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, người tố giác, cung cấp thông tin về tham nhũng phải được trừng trị thích đáng và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có hình thức cụ thể, thiết thực, bằng vật chất và tinh thần để biểu dương, khen thưởng kịp thời, thích đáng đối với những tập thể, cá nhân gương mẫu, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.
KIM KIM
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới