Công tác bảo vệ phụ nữ khuyết tật bị xâm hại tình dục: Còn thiếu và yếu

Thứ Sáu, 12/05/2017 | 14:30

Lạm dụng, xâm hại tình dục (XHTD) đối với phụ nữ bình thường đã là điều không thể chấp nhận, bị xã hội lên án. Thế nhưng, lạm dụng, XHTD đối với phụ nữ khuyết tật thì càng đáng căm phẫn bội phần. Nhiều phụ nữ khuyết tật phải gánh chịu nỗi đau bị XHTD nhưng công tác bảo vệ quyền lợi cho họ thời gian qua còn hạn chế, dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng.

 Các tổ chức từ thiện tặng quà cho phụ nữ khuyết tật.

Cán bộ Hội, đoàn thể thăm hỏi, hỗ trợ một bé gái khuyết tật ở huyện Hòa Bình.

Một phụ nữ thiểu năng được chăm sóc tại gia đình. Ảnh: T.Q

Ít được quan tâm, chăm sóc sức khỏe sinh sản

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 12.894 người khuyết tật thuộc nhiều dạng tật và mức độ tật khác nhau, trong đó có hơn 5.700 người khuyết tật là nữ. Hàng năm, các ngành chức năng đã triển khai những chính sách, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Điển hình là việc chi trả kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật; phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ khuyết tật do bẩm sinh, tai nạn thương tích và bệnh tật; thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ… Mặc dù các chính sách chăm lo người khuyết tật được thực hiện kịp thời, song công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho người khuyết tật thì chưa được quan tâm đúng mức.

Người khuyết tật nặng (nhất là khuyết tật trí não) khi bị XHTD thì ngay cả bản thân họ cũng không thể nhận biết, trong khi gia đình lại quá hời hợt trong việc theo dõi, nhận ra những đổi thay trên cơ thể con em mình. Trong quá trình người khuyết tật mang thai do bị XHTD, công tác thăm khám SKSS cho họ lại không được quan tâm, phần vì sự mặc cảm của gia đình, phần vì việc đi lại của người khuyết tật khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc sống đa số phụ nữ khuyết tật nặng thường nghèo khó nên nhiều chị em sau khi mang thai không được thăm khám, tầm soát, rất dễ sinh ra những đứa trẻ yếu ớt, thiểu năng.

Bên cạnh việc hạn chế nhận thức của gia đình và bản thân người khuyết tật, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về SKSS cho người khuyết tật cũng chưa được quan tâm đúng mức. Những trung tâm y tế chuyên ngành, đội ngũ cán bộ tư vấn, bác sĩ chăm sóc SKSS dành riêng cho đối tượng người khuyết tật dường như không có, khiến người khuyết tật gần như không có cơ hội để được chăm sóc SKSS.

Theo bác sĩ Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh: “Hiện nay, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh vẫn chưa có thiết bị thăm khám SKSS dành riêng cho người khuyết tật. Trước đây, đơn vị có chương trình phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương vận động phụ nữ đến khám chữa bệnh, tầm soát ung thư cổ tử cung, bệnh phụ khoa… Đối với phụ nữ là người khuyết tật nặng, điều kiện đi lại khó khăn thì đơn vị cử người đến tận nơi để khám. Song, những năm gần đây, chương trình này phải tạm ngừng do không có kinh phí”.

Hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ

Dù tình trạng XHTD người khuyết tật vẫn nhan nhản diễn ra, song trên thực tế, số người đứng ra tố cáo đối tượng thực hiện hành vi đồi bại rất ít; một phần vì họ ngại va chạm xã hội, hoặc do trình độ nhận thức hạn chế, ngại kiện tụng, thưa kiện tốn kém, phần vì họ xấu hổ. Do vậy, phần lớn các vụ XHTD người khuyết tật thường “chìm xuồng” và hậu quả chỉ có nạn nhân lãnh.

Người khuyết tật đã không may mắn bởi mang những khiếm khuyết trên cơ thể, thậm chí còn bị một bộ phận trong xã hội xem thường. Vì thế, những nhu cầu tối thiểu về chăm sóc SKSS, giới tính của họ thường bị gia đình hoặc người chăm sóc bỏ qua. Nhằm giúp người khuyết tật, nhất là phụ nữ khuyết tật nắm bắt các chính sách, quyền lợi, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động truyền thông các chính sách hỗ trợ người khuyết tật cho cán bộ cơ sở và bản thân người khuyết tật. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế nhất định do trình độ, năng lực cán bộ cơ sở còn yếu. Còn gia đình và bản thân người khuyết tật do yếu kém về  nhận thức nên khả năng hiểu và nắm bắt các chính sách chỉ ở mức độ nhất định, từ đó chịu nhiều thiệt thòi.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa công tác tập huấn, truyền thông cho cán bộ chuyên trách về khả năng tiếp cận, chỉ dẫn người khuyết tật các kỹ năng nhận biết, phân biệt người tốt - xấu, tránh tiếp xúc người lạ khác giới, khả năng tự vệ… Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người chăm sóc người khuyết tật những kiến thức cơ bản để giúp con em mình không bị XHTD, có biện pháp bảo vệ con em khi bị tấn công, XHTD.

Đối với phụ nữ khuyết tật về trí tuệ, thiểu năng, tâm thần sống lang thang, không người thân, các cơ quan chức năng cần đưa về các Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị, giúp họ có chỗ ăn ở ổn định, tránh được những nguy cơ XHTD. Nếu phát hiện con em mình bị XHTD, gia đình, người chăm sóc cần liên hệ với cán bộ cơ sở hoặc Sở LĐ-TB&XH để được tư vấn, bảo vệ dưới góc độ quản lý nhà nước, và nhận chính sách hỗ trợ theo quy định.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.