Chung sức vì người nghèo

Thứ Sáu, 24/11/2017 | 15:46

Tháng 11 - tháng cao điểm cả nước vì người nghèo. Có lẽ chính vì thế, hoạt động từ thiện của những người hảo tâm hướng về người nghèo, người kém may mắn trong tỉnh đã dấy lên mạnh mẽ. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã làm nên mảnh đất và những con người Bạc Liêu nhân hậu nghĩa tình.

Bài cuối: Tình người kết nối sức mạnh

>>Bài 1: Những tấm lòng nhân ái

Không phân biệt tôn giáo, dân tộc hay thành phần xuất thân, truyền thống tốt đẹp của người Bạc Liêu luôn đến với nhau, thương yêu và giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Trong quá khứ và hiện tại, nhờ có truyền thống đoàn kết nên người Bạc Liêu càng xích lại gần nhau hơn trong mọi khó khăn, thử thách. Và ngày nay, họ đã cùng nhau bắt tay xây dựng quê hương Bạc Liêu thoát khỏi tỉnh nghèo.    

Ông Quảng Trọng Ninh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao biểu trưng tặng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo ở huyện Phước Long. Ảnh: T.Đ

ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Có mặt trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra mới đây tại quê nhà, thuộc khu dân cư ấp Hành Chính (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long), ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Là người con quê hương, dù được điều động về tỉnh đã hơn 20 năm, nhưng khi tôi về, vẫn còn đó tình cảm thiêng liêng nhất. Người dân giàu tình nghĩa, khu dân cư ngày càng phát triển đi lên… Mặc dù vậy, tôi thấy đời sống của bà con vẫn còn khó khăn, chăm lo đời sống cho bà con khu dân cư phải là mục tiêu lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và Mặt trận. Nhất định không để ai ở lại phía sau trong quá trình Bạc Liêu phát triển”. Trăn trở của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ này là quyết tâm đưa Bạc Liêu vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực. Bằng mọi giải pháp, mục tiêu này nhất định phải làm cho được, để nhân dân có một cuộc sống tốt hơn.

Đi cùng sự quyết tâm đó của Đảng và Nhà nước, Bạc Liêu còn có hàng vạn trái tim nhân ái, nghĩa tình luôn vì cuộc sống cộng đồng, vì những người neo đơn, già yếu, bệnh tật… Theo thống kê, Bạc Liêu hiện tại còn 12,24% hộ nghèo, tương ứng với gần 30.000 hộ. Dự kiến đến cuối năm 2017, toàn tỉnh giảm còn 10,24% hộ nghèo. Thế nhưng, những người nghèo khó vẫn chưa bao giờ lẻ loi, bởi theo bà Nguyễn Kim Lý - người đứng đầu một tổ chức từ thiện ở Bạc Liêu cho rằng, với tinh thần hào phóng, nhân hậu, trọng nghĩa trọng tình, mỗi người Bạc Liêu, bất cứ ai cũng có thể làm từ thiện. Từ những thương nhân bình thường cho tới phật tử, nhà sư và cả cán bộ, công nhân, viên chức không phân biệt tôn giáo, dân tộc đều phát tâm làm từ thiện. Bà Lý tâm tình, những người đến từ khắp nơi chắc họ cũng thương và thích người Bạc Liêu lắm, ấn tượng nhiều với người dân Bạc Liêu nên họ vui vẻ vượt qua hàng ngàn cây số về đến vùng sâu, xa nhất của tỉnh.

Ở Ban từ thiện Phật giáo TP. Bạc Liêu, ban đầu số người trực tiếp mang vật chất đến hỗ trợ người nghèo chưa đầy 50, nhưng hội viên sau khi mở rộng, kết nối thì lên tới hàng trăm, gồm mọi thành phần trong xã hội, có cả Việt kiều, tài trợ cho Ban từ thiện để giúp những người nghèo khó, khuyết tật. Từ trong sâu thẳm đáy lòng, họ chỉ cần cho đi mà chẳng muốn lưu danh tên tuổi, thành tích.

Gần đây, từ khi luật sư Trần On trở về quê hương phục vụ, chùa Cỏ Đôn (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) đã trở thành địa chỉ từ thiện nổi tiếng trong đồng bào Khmer. Cũng bởi day dứt tình yêu quê hương, luật sư Trần On đã phát huy tối đa lợi thế từ các mối quan hệ xã hội của mình ở TP. HCM, các tỉnh, thành khác, ông cùng với Ban từ thiện của chùa tổ chức hàng chục chuyến từ thiện cho đồng bào phật tử. Trong đó, đỡ đầu suốt đời 27 hộ neo đơn, hàng chục hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết (25 triệu đồng/căn); trao hàng ngàn phần quà; mời y, bác sĩ về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con địa phương… Chỉ tính năm 2016, hoạt động từ thiện do ông On kết nối trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Không chỉ đồng bào phật tử Khmer thụ hưởng mà học sinh nghèo ở các điểm trường trên địa bàn huyện Phước Long cũng được ông On mở rộng vòng tay giúp đỡ. Ông Sơn Viên, Trưởng Ban quản trị chùa Cỏ Đôn không tiếc lời khen ngợi: “Luật sư Trần On đã và đang mang về cho chùa một sinh khí mới, sự đổi thay thật sự cho quê hương Cỏ Đôn này”.

Hay như ông Ngô Vũ Đại, là người Hoa nhưng ông luôn đóng vai trò trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc. Làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bạc Liêu, ủy viên Ban Chấp hành Hội hỗ trợ người nghèo Tây Nam bộ, đón nhận tình cảm của ông là đa dạng những mảnh đời và ở tất cả các dân tộc như thể anh em một nhà.

Đông đảo người dân tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: T.Đ

PHÁT HUY TỐI ĐA CHÍNH SÁCH ĐẠI ĐOÀN KẾT  

Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận các cấp trong tỉnh luôn quan tâm. Tùy mỗi giai đoạn, việc thực hiện nội dung, giải pháp khác nhau nhưng tất cả hướng tới một mục tiêu chung là nâng cao mức sống của người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ dân sống dưới ngưỡng nghèo. Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh từng khẳng định: “Tuy tỷ lệ hộ nghèo được đỡ đầu trong toàn tỉnh chưa hoàn toàn thoát nghèo, nhưng đã cho thấy tín hiệu lạc quan vì các đơn vị nhận đỡ đầu đang quan tâm hơn về chất lượng cuộc sống người dân. Đó là nền tảng để việc phân công giúp đỡ người nghèo phát huy hiệu quả cao hơn trong thời gian tới”.

Từ năm 2016 đến nay, với tư cách Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ông Trần Hoàng Duyên đã vận động từ các nguồn lực bên ngoài hơn 2.000 suất quà cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), đỡ đầu 100 hộ nghèo, tặng 20 căn nhà tình nghĩa, tình thương… với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào năm 2018 tới đây, ông Trần Hoàng Duyên quyết tâm giúp đỡ đồng bào DTTS nhiều hơn thế nữa. Bởi ông ghi nhận: “Đồng bào các DTTS trong tỉnh có truyền thống đoàn kết lâu đời, gắn bó keo sơn trong mọi hoàn cảnh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng, một dạ thủy chung đi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ. Đồng bào các dân tộc đã cùng đồng bào người Kinh đóng góp công sức cho sự phát triển thịnh vượng của tỉnh. Và việc tích cực chăm lo cho đồng bào các DTTS là chúng ta đang phát huy tối đa chính sách đại đoàn kết dân tộc”.  

Bằng cái tâm của người làm công tác khuyến học, ông Nguyễn Kiên Nhẫn - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, cho biết công tác khuyến học của tỉnh được Trung ương đánh giá đứng đầu khu vực ĐBSCL. Chỉ tính 9 tháng của năm 2017, Hội Khuyến học tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp xã hội hóa giáo dục hơn 130 tỷ đồng. Ông Nhẫn chia sẻ, chưa lúc nào các em học sinh nghèo, DTTS, tàn tật hay ở vùng sâu, xa nhất của tỉnh lại cảm thấy ấm lòng như bây giờ. Tỉnh Bạc Liêu những năm gần đây, không ai có thể bỏ học vì quá nghèo, bởi vì ở bên cạnh họ, có cả xã hội cùng chăm lo. 

Nói với đồng bào toàn tỉnh nhân Tháng cao điểm cả nước vì người nghèo, tháng hưởng ứng Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Quảng Trọng Ninh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là cốt lõi, là nền tảng của mọi sức mạnh. Và tinh thần đó đang cháy bỏng, dâng trào, nó biến thành các phong trào hành động cách mạng diễn ra ở tất cả các địa bàn dân cư. Đoàn kết khu dân cư của mình chính là để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển và làm giàu cho địa phương mình. Đó còn là truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa quý báu như một tố chất vốn có của người Bạc Liêu trong mọi giai đoạn phát triển của tỉnh”.

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.