Tòa Soạn - Bạn đọc
Cấp sổ đỏ chậm trễ, nguyên nhân do đâu?
Hiện có một số vấn đề tồn tại ở các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) sau khi hợp nhất về VPĐKĐĐ - trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) từ đầu năm 2016. Đó là hồ sơ cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), đăng ký biến động (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế...) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ùn ứ, kéo dài thời gian.
Sở Tư pháp tập huấn công chức sử dụng phần mềm điện tử trong quản lý hồ sơ thủ tục hành chính. Ảnh: K.P
VPĐKĐĐ trực thuộc Sở TN&MT trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở TN&MT và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố. Việc hợp nhất này là nhằm tinh gọn bộ máy, thống nhất về quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. UBND tỉnh yêu cầu quá trình thành lập VPĐKĐĐ phải bảo đảm việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai được kịp thời, thông suốt và thống nhất trong toàn ngành.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động thì hiệu quả không được như ý muốn. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều than phiền khi hoạt động cấp các loại giấy này trở nên chậm hơn rất nhiều so với trước đây. TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai là 2 đơn vị bị áp lực rất lớn về số lượng hồ sơ cũng như sự chậm trễ khiến người dân bức xúc.
Theo phản ánh của người dân, khi làm sổ đỏ, thời hạn cấp giấy chứng nhận ở địa phương có nhiều trường hợp bị kéo dài từ 1 - 2 tháng khiến cho giao dịch đất đai của họ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tại TP. Bạc Liêu, biên chế ở Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố từ 18 người xuống còn 5 người đã gây khó khăn rất lớn trong hoạt động. Điều này dẫn đến tiến độ thực hiện hồ sơ đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân thường xuyên chậm trễ, có nhiều trường hợp tồn đọng kéo dài nhiều ngày so với quy định.
Tại hội nghị về cải cách hành chính của tỉnh, ông Lâm Quyết Thắng, Giám đốc Sở TN&MT giải thích, do VPĐKĐĐ mới được thành lập từ tháng 2/2016 nên trong thực tế hoạt động phát sinh nhiều vướng mắc. Biên chế được giao 50 là quá ít so với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải cần 77 biên chế. Cơ chế phối hợp giữa Chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thị xã, thành phố với VPĐKĐĐ, Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan công chứng, chứng thực chưa thông suốt. Quy trình luân chuyển hồ sơ chưa hợp lý, còn phải qua nhiều khâu. Chất lượng hồ sơ các chi nhánh VPĐKĐĐ trình chưa đảm bảo, còn sai sót nên mất nhiều thời gian xử lý. Một số thủ tục hành chính chưa phù hợp với thực tế của địa phương, như người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có xác nhận trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (nhưng không quy định địa phương nào xác nhận, căn cứ để xác định người trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp).
Thật ra, mô hình VPĐKĐĐ là không mới, chỉ khác ở chỗ là cơ chế hoạt động thống nhất một cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vấn đề an sinh và trật tự xã hội ở địa phương. Thiết nghĩ, chủ trương là không sai và rất cần thiết. Tuy nhiên, cách làm như hiện nay là chưa phù hợp, cần phải được chấn chỉnh để có quy trình đồng bộ từ các ngành chuyên môn, tránh phiền hà cho người dân.
KIM PHƯỢNG
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới