Tòa Soạn - Bạn đọc
Cần ngăn chặn xu hướng bạo lực trong giới trẻ
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu đã tiếp nhận và điều trị thương tích cho hơn 50 trường hợp đánh nhau. Trong đó, có những ngày Khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận từ 6 - 8 trường hợp nhập viện mà phần lớn là giới trẻ.
Lứa tuổi thanh thiếu niên rất cần sự quan tâm của gia đình để phát triển đúng cách. Ảnh minh họa: Đ.H
Ngày càng có nhiều vụ việc “thanh toán” nhau đến đổ máu, mang thương tích nặng mà giữa kẻ gây án với người bị hại không có mâu thuẫn. Chỉ vì do “ứng cứu” bạn bè nên ra tay hại người. Điều đáng nói là, hiện đa số thanh niên khi ra đường đều mang theo hung khí nguy hiểm, sẵn sàng gây thương vong cho đối phương nếu có mâu thuẫn xảy ra - dù là nhỏ. Như trường hợp mới xảy ra trong tháng 2/2016 của 5 thanh niên ở huyện Đông Hải là một ví dụ. Chiều 8/2/2016, Đoan chở vợ đi chơi, khi điều khiển xe trên đường thì xảy ra mâu thuẫn nhỏ với Đỏ và Lửa. Chuyện “bé xé ra to”, Đỏ và Lửa nhào vô đánh Đoan. Lúc này, Đoàn (là bạn của Đoan) tình cờ đi ngang thấy bạn mình bị đánh thì dừng xe lại can ngăn. Đánh không lại, Đoàn liền chạy về nhà lấy dao tự chế chém làm Đỏ bị thương.
Trong các phiên tòa, những câu chuyện đánh người gây thương tích, thậm chí giết người chỉ vì mâu thuẫn không đáng có trong giới trẻ không còn là chuyện hiếm. Nó khiến những người làm công tác xét xử và những người dự khán không còn thấy lạ lẫm hay ngạc nhiên. Chỉ đọng lại sau mỗi phiên xét xử là trăn trở của những người chấp pháp về sự suy thoái đạo đức, mất tình người và lệch lạc lối sống trong giới trẻ.
Có nhiều ý kiến khác nhau để lý giải cho xu hướng hành xử bạo lực trong giới trẻ ngày nay. Trong đó, không ít người suy tư vì cách “sống vội”, bị ảnh hưởng từ sự cuốn hút của đồng tiền, sống thực dụng, ham muốn hưởng thụ và thích chứng tỏ bản thân của giới trẻ. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, họ bị ám ảnh và lôi kéo từ những trò chơi bạo lực trong khi việc quản lý, giáo dục chưa được thực hiện đúng mức.
Làm một cuộc thống kê nhỏ từ nguồn tổng hợp, phân tích của công an các địa phương cho thấy, đa phần những thanh thiếu niên hành xử bạo lực, sống “nhạt” với cuộc đời và đồng loại đều có cuộc sống gia đình khá đơn độc. Trong đó, nhiều bậc cha mẹ quanh năm lao động cật lực lo miếng ăn cho gia đình, không có thời gian quan tâm nhiều đến con cái. Họ chu cấp theo nhu cầu của con mà không quan tâm, cùng đồng hành với con mình. Có gia đình kinh tế dư dả hơn lại vô tình tiếp tay cho sự ăn chơi lêu lỏng của thanh niên hay giữa cha mẹ, người thân không gương mẫu trong sinh hoạt, trong quan hệ xã hội… làm ảnh hưởng đến cách đối nhân xử thế của con cái. Bên cạnh đó, một nhóm khác ít được học hành, sớm tụ tập bạn bè và tạo phe nhóm nên dễ sinh ra đố kỵ hay “không vừa mắt” với các nhóm khác…
Ngăn chặn lối sống bạo lực đang có xu hướng ngày càng lây lan trong giới trẻ cần những biện pháp mạnh và đồng bộ. Cùng với việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống và pháp luật, giới trẻ cần phải tự nhìn thấy những chỗ “chênh” trong cách sống của mình. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục thanh thiếu niên là rất quan trọng. Nhưng trong đó, vai trò hàng đầu, tích cực nhất vẫn là gia đình, là những người sinh ra và nuôi dưỡng, yêu thương giới trẻ. Chính sự quan tâm, giáo dục, đôn đốc, sự gương mẫu trong các mối quan hệ xã hội của người đi trước sẽ là tấm gương sáng, là động lực giúp thanh thiếu niên soi rọi lại bản thân mình, từ đó chọn cho mình cách phát triển tốt...
Đ.H
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới