Tòa Soạn - Bạn đọc
Cần nâng cao hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật
Thông qua hoạt động của mình, các câu lạc bộ (CLB) pháp luật đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, không ít CLB vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả hoạt động chưa cao...
Một buổi nói chuyện pháp luật tại xã Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai). Ảnh: K.P
CLB pháp luật được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Thông qua các hoạt động của CLB góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, tạo lòng tin đối với pháp luật cũng như hình thành thói quen sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Bạc Liêu hiện có 291 CLB pháp luật, có thể điển hình một số mô hình như: CLB Phụ nữ am hiểu pháp luật; CLB Gia đình người dân tộc Khmer nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; CLB Trợ giúp pháp lý; CLB Nông dân với pháp luật... Các CLB thường xuyên hoạt động, tuyên truyền pháp luật, qua đó giúp quần chúng nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa hiểu rõ hơn về pháp luật, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội ở địa phương. Đó là nói về hiệu quả khi các CLB hoạt động tốt, có chất lượng, thu hút được người tham gia. Còn đối với những CLB thành lập chỉ hoạt động được vài lần, thậm chí có CLB chỉ làm lễ ra mắt, còn lại chỉ nằm trên báo cáo… cũng không hiếm. Nguyên nhân thì có nhiều, như vấn đề kinh phí hoạt động của các CLB, tình trạng thiếu địa điểm ổn định để sinh hoạt, một địa phương có nhiều CLB pháp luật khác nhau với thành phần, nội dung sinh hoạt có lúc trùng nhau dẫn đến hiệu quả không cao.
Nhằm hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho các CLB, năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/QĐ-UBND về việc quy định một số mức chi đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, xây dựng và duy trì sinh hoạt CLB pháp luật, nhóm nòng cốt, bao gồm chi hỗ trợ tiền ăn, nước uống cho thành viên tham gia hội nghị ra mắt CLB pháp luật (không quá 1 ngày, với mức chi 30.000 đồng/người/ngày); chi tiền nước uống cho người dự sinh hoạt CLB pháp luật, nhóm nòng cốt: 10.000 đồng/người/buổi. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng đã phần nào giải quyết được khó khăn về tình trạng kinh phí để duy trì tổ chức và hoạt động của các CLB. Theo cơ chế từ trước đến nay, CLB Trợ giúp pháp lý chủ yếu hoạt động dựa trên nguồn kinh phí do Trung tâm Trợ giúp pháp lý hỗ trợ; CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm do nguồn kinh phí từ đề án “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự” thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, các nguồn kinh phí này rất hạn chế và hầu như các CLB không được cấp, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý.
Để duy trì hoạt động các CLB pháp luật một cách hiệu quả, trong nhiều giải pháp được đề ra, vấn đề cần thiết là nên sáp nhập các mô hình CLB pháp luật tại một địa phương có phương châm hoạt động na ná nhau để tận dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh trùng lặp. Ngoài ra, phải nâng cao nội dung tuyên truyền, phương thức sinh hoạt cần đa dạng và phong phú, hấp dẫn. Phương pháp truyền đạt cần ngắn gọn, dễ hiểu và thuyết phục... Có như vậy mới có thể thu hút và tác động tích cực đến người nghe, để hiểu đúng, tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cũng như vận động người khác cùng thực hiện.
K.K
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới