Tòa Soạn - Bạn đọc
Bán hàng đa cấp và những chiêu trò lừa đảo
Không ít người cảm thấy “dị ứng” với việc bán hàng đa cấp. Vì không chỉ bị làm phiền khi người bán cứ huyên thuyên bất tận về những thứ mà bản thân nhiều người không có nhu cầu; hoặc cảm thấy khó xử khi bị người quen “ép” mua sản phẩm. “Khổ đủ đường và chẳng nên va vào” - đó là kết luận của nhiều người khi nói về bán hàng đa cấp.
Trở thành kẻ lừa đảo
Ông T.H, trú tại phường 1 (TP. Bạc Liêu) đã mua phải một chiếc máy khử độc Ozone được quảng bá là sản phẩm của Tập đoàn thiết bị y tế BQP sản xuất. Một nhóm người tự giới thiệu là bán các sản phẩm thuộc Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội thảo để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Ông T.H vì tin tưởng khi nghe giới thiệu là sản phẩm của Bộ Quốc phòng, nên đã mua 1 cái máy khử độc Ozone với giá gần 3 triệu đồng. Ngoài ông T.H, còn có nhiều người nữa cũng mua cho mình các sản phẩm tương tự.
Khi về nhà, ông T.H mới phát hiện, sản phẩm mà mình mua không giống với những sản phẩm cùng loại được bán ở những nơi khác cũng dán nhãn là của BQP. Bán tín bán nghi vì mua nhầm hàng giả nhưng ông T.H cũng không biết làm sao để kiểm chứng. Chuyện của ông T.H không phải là chuyện của một cá nhân, mà đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương đã bị nhầm lẫn, thậm chí còn cho phép một số đơn vị tham gia giới thiệu sản phẩm, bán hàng. Trên thực tế cũng có Tập đoàn thiết bị y tế của BQP thật sự tham gia giới thiệu sản phẩm. Chính vì thật giả lẫn lộn, nên việc mua nhầm những sản phẩm giả mạo là khó tránh khỏi.
Tuy không đến mức lừa đảo, nhưng không ít công ty bán hàng đa cấp thổi phồng sản phẩm của mình quá mức, khiến cho người tiêu dùng bị hiểu sai lệch thông tin, điều này hoàn toàn sai quy định. Chẳng hạn như ở một tập đoàn kinh doanh đa cấp cũng thuộc hàng có uy tín, nhưng những nhà phân phối khi bán một số sản phẩm như nước rửa chén thì lại quảng cáo dùng để rửa rau cải sẽ tốt hơn, và không ít nhà phân phối còn hướng dẫn cho người dân dùng để phun xịt cho cây lúa (kiểu như bón phân cho cây lúa bằng nước rửa chén). Thật là đa công dụng?!
Quản lý quá lỏng lẻo
Nói đến quản lý các mặt hàng bán theo kiểu đa cấp, thì thật sự chỉ nhận được một cái lắc đầu ngán ngẩm của nhiều người. Bởi cách quản lý quá lỏng lẻo, nhiều công ty bán hàng đa cấp chỉ cần xoay xở được giấy phép kinh doanh (vì đã có Luật Cạnh tranh, Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp 2014) khá dễ dàng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, thì hầu như không thấy cơ quan chức năng nào tham gia hoặc thường xuyên kiểm tra, giám sát theo các quy định tại Nghị định 42. Các sai phạm cũng không thấy xử lý triệt để. Người dân khi tham gia vào các mạng lưới bán hàng đa cấp kiểu lừa đảo này khi bị lừa cũng không biết thưa kiện, khiếu nại ở đâu. Rõ ràng, có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý việc bán hàng đa cấp hiện nay và chưa thấy những động thái tích cực của cơ quan quản lý lĩnh vực này.
Siết chặt hoạt động bán hàng đa cấp để ngăn ngừa biến tướng là việc hết sức cần thiết. Vừa hạn chế kiểu kinh doanh lừa đảo vừa góp phần giúp những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đàng hoàng tồn tại và phát triển. Dư luận đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm, từ cấp Bộ cho đến các sở, ngành quản lý đặc thù phải siết chặt hơn, chế tài mạnh hơn với các hành vi vi phạm, cần thiết phải rút giấy phép, xử lý hình sự với những doanh nghiệp hoặc cá nhân có những vi phạm nghiêm trọng, lừa đảo.
P.V
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới