Ban giám sát đầu tư của cộng đồng: Chỉ mới giám sát về mặt hình thức

Thứ Sáu, 02/09/2016 | 16:37

Thời gian qua, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) mặc dù ít được nhiều người nhắc đến nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng ở địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới, hoạt động GSĐTCCĐ là một hình thức phát huy dân chủ ở cơ sở vì lợi ích của người dân.

Cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) trong ngày khánh thành cây cầu mang tên Mẹ VNAH Lý Thị Hui nối liền hai xã Vĩnh Thanh - Hưng Phú. Ảnh: T.Đ

NHIỀU NHIỆM VỤ

GSĐTCCĐ là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình đầu tư. Thông qua đó nhằm phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm về đầu tư (trừ các chương trình, dự án bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật).

Mục đích của hoạt động GSĐTCCĐ là để đảm bảo cho việc thực hiện các chương trình, dự án, công trình xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của cộng đồng. Với mục đích đó, Ban GSĐTCCĐ thực hiện theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư ở cơ sở, từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nhằm bảo vệ lợi ích của cộng đồng.

Theo quy định hiện hành, Ban GSĐTCCĐ là 1 trong 11 chủ thể thực hiện việc giám sát và đánh giá đầu tư. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Ban GSĐTCCĐ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: giám sát việc chuẩn bị đầu tư; giám sát việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; giám sát tiến độ thực hiện đầu tư; giám sát việc cấp vốn đầu tư; giám sát việc làm xâm hại đến lợi ích cộng đồng; giám sát tác động môi trường; giám sát việc quản lý, vận hành công trình; giám sát thi công, chất lượng công trình; giám sát việc nghiệm thu, bàn giao công trình…

Xuất phát từ yêu cầu của cộng đồng nên việc thành lập Ban GSĐTCCĐ phải tôn trọng ý kiến của nhân dân. Việc bầu, bãi nhiệm thành viên Ban GSĐTCCĐ là một nội dung nhân dân phải được bàn, biểu quyết. Nhân dân bầu ra thành viên Ban GSĐTCCĐ, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã ra quyết định công nhận với nhiệm kỳ 2 năm.    

HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Với tầm quan trọng đó, ở 64 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đều có Ban GSĐTCCĐ. Kinh phí hoạt động của Ban được cấp từ ngân sách Nhà nước, tính theo mỗi đơn vị ấp, khóm được cấp 1 triệu đồng/năm. 

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, năm 2015, Ban GSĐTCCĐ các xã, thị trấn giám sát được 64 công trình lộ bê-tông và lộ giao thông nông thôn với tổng chiều dài 68km, sửa chữa 7 tuyến lộ bê-tông dài 2,9km; sên vét 75 tuyến kênh; xây mới 9 cây cầu và sửa chữa 20 cây cầu do Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng kinh phí 24 tỷ đồng. Kết quả, việc thực hiện các công trình này đều đạt chất lượng, tiến độ, đúng quy trình thi công.

Xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) là địa phương có Ban GSĐTCCĐ hoạt động khá bài bản. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã ban hành hẳn một nghị quyết công nhận Ban GSĐTCCĐ kèm theo danh sách gồm 9 thành viên. Theo đó, tất cả Trưởng công tác Mặt trận ấp đều là thành viên của ban này. Ban GSĐTCCĐ xã Vĩnh Trạch xây dựng kế hoạch hoạt động giám sát theo từng quý sau khi có sự thống nhất với UBND xã về một số công trình sẽ triển khai xây dựng trong năm. Ông Lưu Văn Tốt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Trạch, cho biết năm 2015, việc Vĩnh Trạch được công nhận xã nông thôn mới có sự đóng góp tích cực từ Ban GSĐTCCĐ. Hiện nay, mặc dù trên địa bàn xã không còn nhiều công trình thi công nhưng ban này vẫn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ông Tốt cũng thừa nhận, hoạt động của Ban GSĐTCCĐ chủ yếu dựa vào các hộ dân sinh sống tại khu vực thi công công trình.

Khác với xã Vĩnh Trạch, ông Lê Minh Hiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ đồng thời Trưởng Ban GSĐTCCĐ xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) cho hay, mỗi năm xã được cấp 14 triệu đồng cho hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng nhưng kinh phí này do UBND xã quản lý và ít đầu tư cho hoạt động giám sát. Do không có máy vi tính nên khi có nhu cầu soạn thảo văn bản, cả khối vận xã và Ban GSĐTCCĐ phải thường xuyên ra ngoài thuê máy dịch vụ để soạn thảo.

Tuy nhiên, qua khảo sát trên toàn tỉnh, cái khó nhất không chỉ có xã Vĩnh Thanh gặp phải chính là trình độ chuyên môn về xây dựng của Ban GSĐTCCĐ. Ông Hiến cho rằng, các thành viên của Ban và kể cả sự giúp sức của nhân dân chỉ có thể giám sát về mặt hình thức như: tên công trình, tiến độ, kích thước chiều dài, chiều rộng cầu, đường cũng như kết cấu loại sắt, xi măng gì… Còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật và chất lượng bên trong cũng như hiểu biết về bản vẽ thì Ban GSĐTCCĐ đành chịu.      

Chính vì vậy, theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, Ban GSĐTCCĐ ở các địa phương gần như không phát hiện được sai sót nào từ phía đơn vị thi công công trình. Ông Dương Thanh Điền, Phó Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: Để đảm bảo thực chất hơn trong hoạt động giám sát, việc trang bị cho Ban GSĐTCCĐ những kỹ năng cơ bản về giám sát công trình xây dựng là rất cần thiết trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay.

TẤN ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.