Thanh thiếu niên
Tuổi trẻ Bạc Liêu hướng về “địa chỉ đỏ”
Hướng về các “địa chỉ đỏ” để hiểu hơn giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tuổi trẻ tỉnh nhà đã tổ chức những hành trình ý nghĩa đến các khu di tích lịch sử.
TÌM VỀ DẤU CHÂN LỊCH SỬ
Trong không khí tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, hơn 40 hội viên Chi hội Sinh viên huyện Hòa Bình và Chi hội Sinh viên TP. Bạc Liêu đang học tập tại Trường đại học Bạc Liêu đã tham gia hành trình về “địa chỉ đỏ” Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Trong chuyến đi, các bạn đã được tìm hiểu về quá trình hình thành cũng như những giá trị lịch sử của khu di tích đặc biệt này.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cái Chanh là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Từ năm 1949 - 1954, đây là nơi đóng căn cứ của một số cơ quan Nam Bộ, địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt… Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khu vực Cái Chanh vẫn là vùng giải phóng rộng lớn, địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu và sau nữa là Tỉnh ủy Sóc Trăng; nơi đặt căn cứ của một số cơ quan, ban, ngành tỉnh và là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta. Đến tháng 11/1973, khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, Tỉnh ủy tiếp tục chọn Cái Chanh làm nơi đặt căn cứ. Vừa là địa bàn hoạt động, khu còn làm nơi tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Tây Nam Bộ để đề ra các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng Bạc Liêu. Từ khu căn cứ này, Tỉnh ủy Bạc Liêu tập trung lãnh đạo đánh bại kế hoạch bình định, càn quét lấn chiếm và cướp rút lui của địch, huy động tổng lực để giải phóng tỉnh.
Khu di tích một thời như ngọn đuốc tỏa sáng khắp vùng Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị, để dẫn dắt, đưa đường cho các tầng lớp nhân dân đi theo kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Khu căn cứ Cái Chanh là di tích lịch sử đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.
Tuổi trẻ TP. Bạc Liêu nghe nhân chứng lịch sử nói chuyện trong hành trình du lịch học sử tại nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: H.L
BỒI ĐẮP THÊM TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
Các di tích lịch sử từ lâu đã trở thành biểu tượng anh hùng và là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh nhà về truyền thống đấu tranh kiên cường, anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hòa chung khí thế hào hùng, tự hào 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chi hội Sinh viên huyện Phước Long phối hợp với Đoàn cơ sở Phường 3 (TP. Bạc Liêu) đã tổ chức hành trình du lịch học sử đến các “địa chỉ đỏ” trong tỉnh như: Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài Sự kiện Mậu Thân 1968, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh… Hành trình không chỉ là chuyến trở về với những địa danh lịch sử thiêng liêng, mà còn là cơ hội quý báu để thế hệ trẻ thấu hiểu sâu sắc hơn về những hy sinh, mất mát, về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cha ông để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Hành trình về những “địa chỉ đỏ” đã đem đến cho tuổi trẻ nhiều bài học quý giá, qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
GIA NGUYỄN