Thanh thiếu niên
Trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại cho trẻ em
Để trẻ em (TE) được sống, học tập, vui chơi, giải trí trong môi trường an toàn, lành mạnh, giảm thiểu tình trạng TE bị bạo lực, xâm hại thì việc trang bị kỹ năng phòng, chống phải đi trước một bước. Điều này cần có sự tham gia, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí vô cùng quan trọng trong việc đồng hành, giáo dục, trang bị cho con trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Tạo môi trường tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh: Đ.K.C
Những con số đáng báo động
Bạo lực, xâm hại TE là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ tại Việt Nam, mà còn xuất hiện trên toàn thế giới. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ số, thời gian qua các đối tượng xấu còn sử dụng các tiện ích trên môi trường mạng làm phức tạp thêm tình trạng tiếp cận, xâm hại TE trên cả nước. Thống kê từ Cục TE, chỉ trong 3 năm (2020 - 2022), cả nước đã phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 TE, trong đó TE là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021) và 6,65% (năm 2022); hiếp dâm TE tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân. Tỷ lệ TE bị bạo lực trong gia đình có xu hướng tăng (năm 2020 chiếm 5,55%; năm 2021 chiếm 5,98%; năm 2022 chiếm 7,5%); sử dụng mạng xã hội để xâm hại TE tăng cao (năm 2022 là 421 vụ).
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ TE 111, sau 19 năm hoạt động, Tổng đài đã tiếp nhận hơn 5 triệu cuộc gọi đến. Trong đó, đã tư vấn gần 500.000 cuộc gọi và hỗ trợ, can thiệp cho hơn 9.000 ca TE bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bóc lột, TE có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền TE.
Tại Bạc Liêu, năm 2022 có 22 vụ bạo lực, xâm hại TE, năm 2023, con số này giảm còn 17 vụ. Nhưng thời gian qua, trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục phát hiện hàng chục vụ bạo lực gia đình và xâm hại TE (trong đó có 8 trường hợp TE bị xâm hại được Quỹ Bảo trợ TE tỉnh hỗ trợ đột xuất). Các vụ việc này đã gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, sự phát triển bình thường của TE, cũng như hạnh phúc gia đình và trật tự an toàn xã hội.
Có một mô-típ đáng lo ngại, đó là đa phần người thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại là người thân, người quen với TE. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, TE bị xâm hại chịu sự tổn thương nặng nề về tinh thần và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em. Bên cạnh đó, phần lớn trẻ bị mặc cảm và không có sự phát triển bình thường. Trẻ từng gặp xâm hại sẽ gặp cản trở và khó khăn trong giao tiếp cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở các môi trường truyền thống, thời gian gần đây cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những nguy cơ TE bị xâm hại trên môi trường mạng.
Chị Quách Thanh Thảo (Phường 8, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Nếu quan sát sẽ dễ dàng nhận thấy hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của mình và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện của TE. Một bộ phận cha mẹ còn phó mặc trách nhiệm ấy cho thầy cô, nhà trường, và bản thân họ chưa dành nhiều thời gian để gần gũi, đồng hành cùng con để ngăn ngừa mọi nguy cơ… Đáng buồn hơn khi nhiều người còn chưa hiểu đầy đủ về bạo lực, xâm hại TE, thực trạng và những hậu quả của vấn nạn này gây ra cho trẻ, gia đình và xã hội. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ trượt ra khỏi vòng tay bảo vệ của cha mẹ, trở thành đối tượng cho kẻ xấu xâm hại”.
Hợp lực tạo đề kháng
Để bảo vệ TE an toàn trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại thì công tác phòng, chống phải luôn đi trước một bước. Mới đây, nhân chuyến tặng học bổng và quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Bạc Liêu năm 2024, Hội Bảo vệ quyền TE Việt Nam khu vực phía Nam đã có buổi truyền thông, trang bị nhiều kỹ năng bổ ích giúp trẻ phòng chống bạo lực, xâm hại. “Dù chỉ thông qua một video clip ngắn nhưng thông điệp truyền tải rất đặc biệt, ý nghĩa. Từ nội dung được truyền thông giúp chúng em hiểu được thế nào là bạo lực, xâm hại TE; các biện pháp phòng ngừa; một số kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực… nếu không may mình trở thành nạn nhân”, em Ngô Thị Thu Trân (huyện Phước Long) chia sẻ.
Không chỉ vậy, từ bậc học mầm non, giáo viên các nhà trường cũng đặc biệt chú trọng dạy trẻ về giới tính; tránh xa người lạ mặt, không cho người lạ mặt vào nhà, tìm cách báo người lớn khi có nguy cơ bị đe dọa, bắt nạt… Bên cạnh đó, các đoàn trường, liên đội còn tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ năng, trang bị kiến thức về phòng, chống bạo lực, xâm hại cho đội ngũ thanh thiếu nhi cốt cán, từ đó làm hùng hậu thêm đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt để đẩy mạnh truyền thông bảo vệ TE.
Song song với việc trang bị kiến thức, kỹ năng để tạo tấm khiên phòng vệ tự thân cho TE trong phòng, chống bạo lực, xâm hại, thì phụ huynh cũng cần quản lý, giáo dục để trẻ không trở thành tội phạm đi xâm hại, bạo lực TE khác. Cùng với đó, các cơ quan liên quan vẫn cần thiết phải truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm, năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại TE, nhất là với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hệ thống pháp luật đủ mạnh để răn đe, áp dụng trong việc thực thi quy định pháp luật về bảo vệ TE được thực hiện nghiêm túc và công minh, tạo ra môi trường xã hội không chấp nhận bất kỳ hành vi bạo lực nào đối với TE. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho TE. Đặc biệt, cộng đồng không được vô cảm trước những nguy cơ TE bị xâm hại, bạo lực.
Kim Trúc
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong Tân
- Hội thảo “Truyền thông về năng lượng tái tạo hướng đến Net Zero” mùa 2 - năm 2024
- Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hộ tịch, chứng thực 2024
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải