Thanh thiếu niên

Những đứa con mãi không chịu “lớn”

Thứ Sáu, 26/05/2023 | 15:44

Ngày nay, xã hội hiện đại luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các bạn trẻ được trưởng thành sớm, có cuộc sống tự lập và tự tin khẳng định mình. Thế nhưng, cũng có không ít những đứa con mãi không chịu “lớn”, cứ sống bám vào cha mẹ như những “dây chùm gửi”. Có những bạn trẻ đã ngoài 30 tuổi, thậm chí đã có gia đình riêng vẫn quen thói dựa dẫm gia đình, cứ hở xíu là “cha ơi”, “mẹ à”…

Những “dây chùm gửi”

Lớn lên trong cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên bà T.T.P (huyện Đông Hải) quyết lòng sau này khi có gia đình riêng thì sẽ bù đắp cho con có được cuộc sống tốt hơn mình. May mắn liên tiếp đến khi nhiều phần đất vợ chồng bà dành dụm mua lúc xưa đều vào diện quy hoạch, giá đất lên cao, cuộc sống gia đình cũng phất lên từ đó. Vì thương con cháu, bà P. không nỡ cho bất kỳ đứa con nào ra riêng ở xa, mà hầu như đều quây quần sống gần nhà chính của mình để tiện bề chăm sóc, đỡ đần con cháu. Bất kể đứa con, dâu, rể hay cháu nào nhập viện đều có bà đi theo túc trực ngày đêm cho đến khi xuất viện trở về. Với mỗi đứa con bà đều lo cho nhà cửa khang trang; đứa nào gây nợ thì bà bán đất, rút tiết kiệm cho tiền trả nợ. Thậm chí, đến cháu đi học đại học bà cũng gửi tiền hỗ trợ hằng tháng…

Dần dà sự yêu thương, bao bọc, quan tâm thái quá của bà dành cho các con cháu đều trở thành thói quen trong nếp nghĩ của các con. Cứ hễ đụng chuyện nhỏ lớn thì các con bà cứ “mẹ ơi, mẹ à”, chứ không thèm nghĩ ra đối sách để giải quyết vấn đề. Đỉnh điểm là mới đây khi con trai gặp sự cố bị gãy tay phức tạp, con gái đã gần 40 tuổi của bà vẫn chạy đi tìm mẹ và thân già như bà lại phải thuê xe chở con cháu lên tận TP. Hồ Chí Minh để chữa trị.

Dẫn con gái 18 tuổi về quê đám giỗ ba chồng, chị Đ.K.B (Phường 7, TP. Bạc Liêu) tỏ ra khó chịu khi nhiều người có nhận định không tốt về con gái mình. Nào là: “Lớn xác như vậy rồi mà chẳng biết phụ giúp gì, tối ngày cứ cắm mặt vào điện thoại, đến cái chén ăn cơm còn không biết rửa; đói bụng cũng chẳng biết đi tìm đồ ăn mà cứ léo nhéo vòi vĩnh mẹ rằng con đói…”. Dù bực bội trong lòng vì thương con, nhưng chị cũng tìm lời nhỏ nhẹ: “Con gái em từ nhỏ chỉ lo học, em cưng cháu quá nên cũng chẳng cho động móng tay. Đó các chị xem, tuy không giỏi việc nhà nhưng bù lại cháu học rất giỏi, thành tích vô cùng xuất sắc, cháu cũng đang ra sức để tìm học bổng du học đó các chị!”. Các bà, các mẹ ở quê nén tiếng thở dài, nhìn các bạn gái trẻ đồng trang lứa với con chị B. đang hì hụi rửa chén, chạy bàn, nấu ăn mà ngao ngán cho sự bảo bọc con của chị B.

Không chỉ dừng lại ở đó, những đứa con không chịu “lớn” còn dần đánh mất lòng tự trọng hút cạn những đồng lương hưu ít ỏi của cha mẹ; thậm chí nói dối, trách mắng cha mẹ, đe dọa bạo lực… để vòi tiền. Có bạn trẻ còn nghiện game, dính vào tệ nạn, bài bạc, rượu chè, ma túy… để cha mẹ già phải bươn chải kiếm tiền nuôi họ, thậm chí cả vợ con của họ.

Hãy để trẻ được tự do trải nghiệm làm điều mình thích, có va vấp trẻ mới trưởng thành. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Để con độc lập, đương đầu với thử thách

Người xưa có câu: “Ai nắm tay đến tối, ai gối tay đến sáng”, cha mẹ dù có yêu thương, bảo bọc con đến đâu thì tới một lúc nào đó cũng phải buông tay, con cái buộc phải sống tự lập, phải va chạm với đời và trưởng thành.

Theo các chuyên gia, việc giáo dục cuộc đời cho một đứa trẻ không phải chỉ có tiền tài vật chất, mà còn cần tập hợp của sự phát triển, trong đó liên quan đến giáo dục kiến thức, trí lực… để con có khả năng tự sống và sống vui vẻ với đời dù không còn cha mẹ ở cạnh bên. Thế nên, thay vì chọn cách suốt đời cưu mang, bảo bọc, biến con cái trở thành những “dây chùm gửi” sống bám vào cây, thì cha mẹ hãy mạnh dạn “cắt đuôi” để con được tự nhiên va vấp, thất bại, thành công và trưởng thành bằng việc để con sống khổ một chút, dạy con biết trân trọng lao động và mạnh mẽ thể hiện bản ngã của chính mình.

Đối với cha mẹ chẳng may có con đang sống dựa dẫm, hoặc có biểu hiện phụ thuộc thì nên nhận ra dấu hiệu và kiên quyết ngừng đáp ứng mọi mong muốn trong tầm kiểm soát của con. Đổi lại hãy giao trách nhiệm, để con được tự mình trải nghiệm nhiều thứ. Có thể trên hành trình ấy con sẽ gặp khó khăn, nhưng cha mẹ phải ráng lòng để con được thử thách, rèn giũa, mạnh mẽ buông con ra khỏi vòng tay bảo bọc chính là cha mẹ đang yêu lấy con mình của tương lai.

Hãy chọn cách đồng hành, làm bạn với con, cư xử đầy tôn trọng để con được thể hiện bản thân, được thử thách. Có như vậy thì những đứa con mới có thể “lớn”, tự tin rời khỏi vòng tay cha mẹ và vững vàng bước vào đời.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.