Thanh thiếu niên
Người trẻ “đừng sống” trên mạng xã hội
Mạng xã hội (MXH) đang dần chiếm vị trí quan trọng, tác động không nhỏ đến cuộc sống nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Song MXH cũng là con dao hai lưỡi khi giới trẻ dành quá nhiều thời gian cho nó. Họ đang dần quên đi cuộc sống thực của mình, trở thành “nô lệ” của MXH, sống thiếu kỹ năng, chạy theo những giá trị ảo…
Một nhóm bạn trẻ “cắm mặt” vào điện thoại ở một quán cà phê. Ảnh minh họa: H.L
Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đi chơi, đi uống cà phê với nhau trong cùng một không gian, mỗi người cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh và làm những việc như lướt Facebook, Zalo, TikTok, đăng ảnh… Thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì người trẻ lại “cắm mặt” vào thế giới ảo đó. Nhiều người trẻ còn tự hào khoe rằng mình kết bạn với vài ngàn người trên Facebook. Mỗi khi đăng tải thông tin hay hình ảnh lên Facebook đều nhận được nhiều lượt like (thích) và comment (bình luận) từ những người bạn đó.
Với sự phát triển của công nghệ mạng không dây, cộng với hiện nay trên thị trường giá bán một chiếc điện thoại thông minh khá rẻ, chỉ từ 1,5 triệu đồng là có thể mua được một chiếc điện thoại kết nối được với Wifi, 4G tha hồ lướt mạng, gia nhập vào MXH. Vì vậy, hầu hết, những người trẻ đều có cho mình một tài khoản Facebook, Zalo… để tự do bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân và kết nối bạn bè mà không bị ràng buộc bởi khoảng cách địa lý.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của MXH như giúp chúng ta cập nhật được những tin tức hằng ngày, lưu giữ những kỷ niệm đẹp được ghi lại bằng những bức ảnh hay video thú vị. Đó cũng là nơi giao lưu kết bạn, trò chuyện học hỏi vô cùng hiệu quả, kết nối những con người chưa từng quen biết nhưng vì cùng chung sở thích, đam mê mà rút khoảng cách, mang con người lại gần nhau hơn. Facebook được nhiều bạn trẻ sử dụng để tìm kiếm thông tin học tập với những bài chia sẻ hay, bổ ích, những trích dẫn, kinh nghiệm học tập vô cùng lý thú. Nhiều bạn còn tận dụng tài khoản của mình để kinh doanh, vừa mang lại nguồn thu nhập vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm bán hàng qua mạng. MXH với tốc độ truyền tin nhanh, giúp chúng ta nắm bắt được những thông tin nóng đang diễn ra mỗi ngày, cũng như biết nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ để chia sẻ và đồng cảm với họ thông qua các hoạt động từ thiện qua mạng.
Một người trẻ dùng tài khoản mạng xã hội kết nối giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là MXH đã dần trở thành một chất “gây nghiện” đối với người trẻ. Không ít người trẻ xem đó là nguồn sống, dành quá nhiều thời gian vào các trang mạng chỉ để lướt dạo như một thói quen. Đi ăn, đi làm, đi học, đi ngủ, thậm chí là đi vệ sinh cũng mang theo chiếc điện thoại của mình để lướt mạng mà không biết chán. MXH đang từng ngày ăn sâu và làm xói mòn sức khỏe, tình cảm của con người mà ta vô tình không để ý tới. Nhiều người trẻ còn coi đó là nơi để trút những bực tức, giận hờn, xỉa xói, chửi nhau thậm tệ. Đáng nói hơn, một số còn lan truyền những thông tin không lành mạnh, những tin rác chưa được kiểm chứng gây bức xúc trong dư luận, đồng thời hạ uy tín và danh dự của người khác.
Trong cuộc sống ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển, các bạn trẻ nên nhìn nhận đúng về vai trò của nó trong cuộc sống mỗi người. Tức là phải hiểu rằng nó là công cụ phục vụ cuộc sống, đừng biến nó thành kẻ điều khiển vô hình và để nó chi phối đời sống của mình. Thay vì lên MXH quá nhiều, các bạn hãy dành thời gian cho gia đình, gặp gỡ bạn bè, hay làm nhiều việc khác. Hãy dành những lúc rảnh rỗi cho các hoạt động xã hội, từ thiện hay tình nguyện hơn là việc nằm nhà đắm mình vào một thế giới ảo không có thực.
GIA NGUYỄN