Thanh thiếu niên
Kiểu “sáng tạo” tiếng Việt gây phản cảm
Chỉ cần lướt nhanh một vòng facebook thì sẽ thấy sự phong phú trong cách sử dụng tiếng Việt “sáng tạo”. Nhiều bạn trẻ còn sử dụng trao đổi với nhau trên tin nhắn trò chuyện như một sự thách đố với bạn giao tiếp.
Những từ ngữ tiếng Việt “sáng tạo” bị phản cảm, méo mó đến tội nghiệp như: “rùi chưa” (rồi chưa), “đúng roài” (đúng rồi), “khoái lém” (khoái lắm), “bùn quá ì” (buồn quá à)… Hay những kiểu câu khó hiểu, đôi khi gây phản cảm cũng được sử dụng khá thông dụng trên facebook. Như để ca ngợi cái đẹp thì nói “đẹp dã man”, khen một cô gái thì bảo “hơi bị ngon”, hay biểu lộ sự thán phục thì thốt lên câu “tuyệt thần sầu”(?)…
Bản thân tôi cũng là người thuộc giới trẻ, sở hữu một khả năng nắm bắt và cập nhật thông tin năng động, nhưng với sự tràn lan của ngôn ngữ hiện đại, méo mó khiến đôi khi tôi và không ít những người thuộc giới trẻ cũng phải lúng túng khi phải dịch thuật “ngôn ngữ dân tộc đương đại”. Kiểu ngôn ngữ phản cảm đang trở nên thông dụng khắp hang cùng ngõ hẻm, thậm chí lây lan đến các cơ quan, công sở. Tiếng Việt dần trở nên méo mó khi một số đàn ông dùng từ “hàng” để gọi phái nữ - cho dù đó là những người con gái đứng đắn. Biến tướng hơn là những từ hay dùng hàng ngày như “uống bia, rượu” thì gọi là “bú”, “ăn cơm” thì nói “táp, đớp”…
Việc sử dụng ngoại ngữ theo kiểu lóng, tiếng bồi cũng gây phản cảm. Nào là búc phòng (đặt phòng), chếch ao, chếch in (làm thủ tục trả, lấy…). Thậm chí, lời tỏ tình được xem là câu nói đẹp nhất ở mọi ngôn ngữ, nhưng một bộ phận giới trẻ hiện nay trao nhau lời yêu chủ yếu bằng một câu ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp hay Trung Hoa) mà không cần dùng đến ngôn ngữ dân tộc. Sự thỏa hiệp ấy được cả những người nhận nó đồng lòng bằng câu ngắn gọn: “Ô kê”.
Tất nhiên, quy luật của sự tồn tại sẽ đào thải những cái không phù hợp. Việc dùng từ một cách tùy tiện, thái quá, lạm dụng tiếng nước ngoài của những người được xem là có trình độ thể hiện sự nghèo nàn trong vốn tiếng Việt của người nói và gây phản cảm cho người nghe.
“Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là câu mà ông bà ta truyền lại vẫn tồn tại đến hôm nay, thể hiện một nét đẹp văn hóa trong ngôn ngữ chứ không phải kiểu phát minh ra những “ngôn từ hiện đại nửa mùa”.
Đàm Phát
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển
- Quốc hội thảo luận 3 dự án Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả