Thanh thiếu niên

Khi trẻ thiếu kỹ năng sống

Thứ Sáu, 07/07/2023 | 15:16

Cách đây không lâu, dư luận xã hội đã không khỏi kinh ngạc trước việc 4 đứa trẻ sống sót diệu kỳ sau tai nạn máy bay ở Colombia. Bên cạnh sự tranh luận về may mắn hy hữu đã xảy ra với những đứa trẻ trong những lúc “trà dư tửu hậu”, thì nhiều phụ huynh ở Bạc Liêu lại băn khoăn với câu hỏi tự vấn: con mình đã có những kỹ năng gì để sinh tồn nếu không may rơi vào trường hợp nguy cấp?!

Để trẻ phụ giúp công việc nhà cũng là cách hay để giáo dục trẻ kỹ năng sống. Ảnh: V.D

Chưa được quan tâm đúng mức

Trò chuyện với em N.K.B (11 tuổi, Phường 3, TP. Bạc Liêu), em cho biết ở trường ngoài học Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Thể dục, Mỹ thuật… thì em rất ít được nhà trường trang bị thêm kỹ năng sống (KNS).

Trao đổi thêm với bạn của N.K.B, đã 12 tuổi, hỏi em biết nấu cơm, giặt quần áo chưa…, em này lắc đầu: “Em chưa biết, ở nhà toàn mẹ làm thôi!”. Hỏi ở trường và ở nhà em làm gì, thì em bảo: “Em học bài, xem hoạt hình giải trí, ăn uống, đi ngủ rồi lại thức dậy tiếp tục đi học thêm”.

Nhìn vào thời khóa biểu theo chương trình mới ở trường tiểu học của bé N.Đ.T.C (huyện Đông Hải), mỗi ngày em có 7 tiết học, có hơn 1 giờ để ra chơi, có giờ ăn, ngủ trưa nhưng cả tuần chỉ có duy nhất 40 phút dành cho môn Hoạt động trải nghiệm (lồng ghép giáo dục KNS). Ở trường hầu như có rất ít hoạt động, nội dung liên quan đến việc giáo dục các KNS. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều cơ sở giáo dục công lập, khi mà thời khóa biểu dành cả ngày cho việc học kiến thức, còn các giờ để vận động, học các kỹ năng đều không đáng bao nhiêu, thậm chí có nơi còn bỏ ngỏ.

Một số học sinh tiểu học khác thì bảo ở trường các em cũng có nhiều câu lạc bộ để tạo sân chơi, trang bị kỹ năng. Nhưng theo phụ huynh của các em, các câu lạc bộ này chỉ hoạt động theo hình thức, rất ít khi sinh hoạt và chủ yếu là các câu lạc bộ dành cho học thuật. Chị Trần Ngọc Phương (Phường 1, TX. Giá Rai) thở dài: “Trẻ ngày nay phải học rất nhiều, ít còn thời gian để làm việc khác. Chúng tôi thật sự rất lo lắng cho con em mình. Các con ở trường khoảng 8 tiếng mỗi ngày, nhưng không được chú trọng dạy kỹ năng, nên giờ nhiều bé đã hơn 10 tuổi mà lại thua kỹ năng sinh tồn của những đứa trẻ lên 7 của ngày xưa…”.

Từ phản ánh của nhiều phụ huynh, một số cơ sở giáo dục đã bắt đầu chú trọng đến việc giáo dục KNS, có nơi còn mời hẳn chuyên gia về giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế vẫn chỉ là “ngồi nghe”, chứ ít tạo điều kiện để trẻ thực hành, ứng dụng thực tiễn… nên dễ gây nhàm chán, không đạt hiệu quả như mong đợi.

Đừng triệt tiêu KNS của con!

Lo lắng con thiếu KNS sẽ không có khả năng tự vệ, ứng phó trước những tình huống nguy cấp, nhưng đã có cha mẹ nào từng nghĩ trẻ thiếu kỹ năng như hiện nay phần lớn là do cha mẹ quá bảo bọc?! Có những việc cha mẹ cứ nghĩ là đúng, tuy nhiên khi “áp” vào con sẽ không phù hợp, khiến trẻ dần thui chột vô vàn kỹ năng trong cuộc sống, thậm chí sẽ khiến con khó xây dựng cuộc sống độc lập, hạnh phúc về sau.

Nhìn về quãng đường tuổi thơ chúng ta trải qua, đã có không ít những vấp ngã, những trận đòn roi vì sai quấy; có không ít người đã từng “chết hụt” vì những trò đùa tai hại… nhưng đằng sau đó là những KNS, sinh tồn khi nguy cấp được góp nhặt, trở thành hành trang quý giá để chúng ta tự tin bước vào đời. Thế nên, các cha mẹ đừng vì lo lắng về những hiểm nguy nơi phố thị mà giới hạn trẻ trong những bức tường để đảm bảo an toàn, không cho trẻ tiếp xúc với cộng đồng, xã hội; rồi mặc nhiên giữ chân con bằng điện thoại, máy tính. Điều này không chỉ khiến con thụ động, thiếu kỹ năng, mà còn nghiện các thiết bị điện tử, không thích giao tiếp với thế giới thật.

Một tai hại mà nhiều phụ huynh đang mắc phải là việc quá nuông chìu con và làm tất tần tật việc nhà hết cho con từ nấu ăn, sắp xếp nhà cửa, giặt giũ quần áo…, thậm chí kiêm luôn việc soạn tập sách cho con đi học. Nếu những việc này không để trẻ tự làm, thì lớn lên trẻ sẽ không muốn làm hoặc cũng sẽ làm đâu hỏng đấy. Hãy giao việc cho con theo phương châm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để hình thành cho con thói quen, cũng như giáo dục cho con KNS cơ bản.

Hãy dẹp bỏ “kỷ luật thép” và việc giám sát chặt con mọi lúc mọi nơi. Điều này không chỉ khiến con cảm thấy bị kìm kẹp, lớn dần dễ thành người thiếu chính kiến, hay lo sợ, có khi trầm cảm, dễ làm điều dại dột. Các cha mẹ cũng đừng “nhảy xổ” vào giải quyết mọi việc của con. Hãy cho con quyền được tự giải quyết vấn đề của mình để sau này có vấp phải những việc tương tự con sẽ có phương án để giải quyết, khắc phục.

Và đặc biệt hơn hết, đừng nhồi nhét con bằng lịch học kín cả ngày. Trẻ cần được yêu thương, được lớn lên thông qua những trò chơi, cũng như giao tiếp bạn bè, xã hội. Thông qua những trò chơi, sự giao tiếp này trẻ sẽ học được vô vàn kỹ năng cần thiết mà kiến thức trong sách vở, khoa học có khi lại không giúp được trẻ.

Đôi khi sự “buông tay” đúng lúc, đúng nơi của cha mẹ lại cần thiết và trở thành liệu pháp hay để con được rèn KNS, tự tin bước ra “vùng an toàn” của bản thân!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.