Thanh thiếu niên

Giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế

Thứ Tư, 29/11/2023 | 16:07

Tình trạng thanh niên (TN) bỏ quê đi làm ăn xa vì thiếu vốn sản xuất, thiếu mô hình sinh kế bền vững để phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ khá lớn, gây khó khăn không nhỏ cho tổ chức Đoàn các cấp trong việc tập hợp, thu hút TN. Muốn giữ chân người trẻ ở lại địa phương, cống hiến cho tổ chức Đoàn thì cần lắm những chính sách hỗ trợ TN tiếp cận các nguồn vốn vay để áp dụng hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế.

Đại diện Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Hồng Dân hỗ trợ vốn cho mô hình kinh tế của Phó Bí thư Xã đoàn Ninh Quới - Nguyễn Thành Đô. Ảnh: Đ.K.C

Đồng hành cùng TN khởi nghiệp, lập nghiệp

Nhận thấy mô hình nuôi heo rừng kết hợp nuôi vịt xiêm Pháp của anh Nguyễn Thành Đô (Phó Bí thư Đoàn cơ sở xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể triển khai nhân rộng làm sinh kế ổn định cho nhiều TN địa phương, vừa qua Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Hồng Dân đã đến tham quan và hỗ trợ mô hình với số vốn vay 20 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cái hay của bạn trẻ này là cùng với việc thực hiện hiệu quả mô hình, Đô còn đầu tư xây dựng hầm biogas làm nơi chứa chất thải vật nuôi. Ý tưởng này vừa góp phần bảo vệ môi trường, ngăn mầm bệnh phát sinh, vừa tạo nguồn khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, giúp gia đình tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Thực hiện chương trình đồng hành cùng TN khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian qua Huyện đoàn - Hội LHTN Việt Nam huyện Hồng Dân đã xây dựng và phát triển hiệu quả nhiều mô hình kinh tế tập thể để tập hợp, thu hút và giữ chân TN ở lại địa phương liên kết sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập để ổn định cuộc sống tại quê nhà. Trong đó nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả như: tổ hợp tác nuôi lươn sạch khép kín ở ấp Ninh Chài (xã Ninh Quới A); tổ hợp tác giúp nhau ngày công lao động ở xã Vĩnh Lộc A; nuôi rắn, nuôi gà, cua đinh… của đoàn viên - TN các đoàn cơ sở trực thuộc trên địa bàn huyện. Hầu hết mô hình đều được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, ủy thác giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Trung ương Đoàn (vốn 120)…

Có thể nói, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã làm khá tốt vai trò cầu nối để TN, nhất là TN nông thôn, TN vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tiếp cận các nguồn vốn vay để giải quyết việc làm, ổn định sinh kế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít đoàn viên - TN ở các cấp, các địa phương trong tỉnh vẫn chưa được tiếp cận, thậm chí không biết đến các nguồn vay ủy thác để phát triển kinh tế, dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ quê đi làm ăn xa để tìm cơ hội lập nghiệp mới.

Tạo điều kiện tốt nhất để TN tiếp cận

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện nay tổng nguồn vốn cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội, trong đó có Đoàn TN là trên 2.847 tỷ đồng. Qua theo dõi, đánh giá thực tế thì đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu cho vay đối với hộ nghèo, TN có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, trong 9 tháng của năm, nguồn vốn cho vay đối với TN chủ yếu là cho vay để giải quyết việc làm với số vốn giải ngân 587 tỷ đồng, tăng so với năm 2022 là 96 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn này, các địa phương - đặc biệt là tổ chức Đoàn còn tạo điều kiện để TN tiếp cận nhiều nguồn khác để giữ chân, hạn chế tình trạng TN bỏ quê đi làm ăn xa.

Ông Nguyễn Hữu Trân - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: “Hiện nay, Ngân hàng cho vay hơn 93.000 hộ, trong đó gần 7.000 hộ đi làm ăn xa, trong đó có lực lượng TN. Ở một số nơi, TN xã, ấp không biết đến vốn cho vay ủy thác của Ngân hàng; cũng có không ít trường hợp vay vốn về sử dụng chưa hiệu quả gây thất thoát. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 512 ấp, nhưng chỉ có 446 ấp TN được tiếp cận vay vốn chính sách, còn 66 ấp trắng về tín dụng chính sách, điều này dẫn đến việc rất khó để tập hợp TN vào tổ chức Đoàn”.

Ông Trân cũng đề nghị, thời gian tới Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Đoàn cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các tổ vay vốn tại những ấp chưa có. Việc thành lập mới các tổ hỗ trợ vay vốn tại các ấp trắng sẽ giúp TN địa phương nhận thấy được tổ chức Đoàn tích cực hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, từ đó vững tin để cống hiến cho Đoàn, bỏ ý định xa quê lập nghiệp.

Cũng theo thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện nay Ngân hàng đang thực hiện tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ về chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch với 5 chương trình lớn, nhưng chỉ có chương trình cho vay giải quyết việc làm về cơ bản đã giải ngân vốn 100%. Còn lại 4 chương trình đã phân bổ vốn nhưng giải ngân chưa đạt với số vốn còn tồn toàn quốc trên 16.000 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng đã kiến nghị Quốc hội cho điều chỉnh, chuyển nguồn vốn tồn qua cho vay giải quyết việc làm.

Trước cơ hội này, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cho Ban đại diện, Hội đồng quản trị Trung ương xin Quốc hội khoảng 150 tỷ đồng cho Bạc Liêu. Theo thông tin, cơ bản Quốc hội đã đồng ý, nếu được giải ngân thì bình quân mỗi xã được phân bổ trên 2 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được giải ngân rốt ráo trong tháng 11 và 12/2023. Bởi vậy, tổ chức Đoàn các cấp, đoàn viên - TN các địa phương cần có phương án để tiếp cận vốn, tận dụng hiệu quả tín dụng chính sách để tạo sinh kế bền vững, giữ chân TN ở lại quê nhà cống hiến, lập nghiệp, khởi nghiệp.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.