Thanh thiếu niên
Giáo dục truyền thống lịch sử cho thanh thiếu niên: “Lá chắn thép” ngăn phơi nhiễm thông tin xấu, độc
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng, đề cao công tác giáo dục thế hệ trẻ - “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, xem đó là vấn đề chiến lược và sống còn của cả dân tộc. Tuy nhiên, cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn trong việc tiếp nhận giáo dục truyền thống lịch sử, kết nối với lý tưởng của cha ông. Chính điều này đã vô tình tạo ra kẽ hở để thông tin xấu, độc từ không gian mạng tấn công vào tư tưởng, đạo đức.
Bởi vậy, vấn đề giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng để thiết lập “lá chắn thép” bảo vệ thanh thiếu niên (TTN) hiện nay trở nên cấp bách hơn bao giờ hết!
Bài 1: Đa dạng cách làm hay
Những năm qua, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho TTN trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức Đoàn, các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh. Thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng, giàu tính trực quan, công tác này đã và đang góp phần hiệu quả trong việc giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về lịch sử chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân Bạc Liêu trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ đó, thêm tự hào, trân trọng và phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để trở thành lớp người kế tục xứng đáng thành quả cách mạng của cha ông.
Đội viên, thiếu nhi Liên đội Tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu) nghe thuyết minh viên kể về lịch sử xây dựng, bảo vệ Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: Đ.K.C
Am tường truyền thống lịch sử địa phương
Theo chân Liên đội THCS Ngô Quang Nhã (huyện Vĩnh Lợi) vào viếng Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới) nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người, chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn hàng dài đội viên, thiếu nhi nghiêm trang nối đuôi nhau tiến vào Đền thờ Bác. Thắp cho Người những nén hương bày tỏ lòng yêu kính, chăm chú lắng nghe những câu chuyện cảm động về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của những thế hệ người Bạc Liêu tiếp nối nhau gìn giữ, bảo vệ đền thờ, các bạn nhỏ đã không cầm được nước mắt.
Em Hàng Chí Khang (Liên đội THCS Ngô Quang Nhã) bày tỏ: “Đây là lần thứ 3 em được đến viếng Đền thờ Bác Hồ nhưng cảm giác vui sướng, tự hào vẫn cứ vẹn nguyên. Mỗi lần đến, mỗi lần được chiêm ngưỡng những hiện vật, tranh ảnh và nghe những câu chuyện xoay quanh cuộc đời vĩ đại mà giản dị, gần gũi của Người trong lòng em lại trào dâng những cảm xúc mãnh liệt. Mong rằng sẽ có thêm những hành trình “du học sử” quý giá thế này nữa để thế hệ trẻ chúng em có thêm cơ hội hiểu hơn về truyền thống, di tích lịch sử - cách mạng, văn hóa địa phương mình”.
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 70 di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 46 công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử - văn hóa. Đây là những chứng tích sống động, giàu giá trị trực quan để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Theo đó, những năm qua hệ thống Đoàn các cấp đã phối hợp rất hiệu quả cùng với các Đoàn trường, Liên đội thường xuyên tổ chức các buổi mít-tinh trọng thể nhân các ngày lễ lớn tại các “địa chỉ đỏ” trên toàn tỉnh. “Hành trình du học lịch sử”, “Hành trình về địa chỉ đỏ”, các hoạt động về nguồn kết hợp thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng; đảm nhận chăm sóc, thắp hương các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; tổ chức gặp gỡ, giao lưu, tọa đàm với chứng nhân lịch sử nhân các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước… càng góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ.
Tại những đoàn trường, liên đội vinh dự được mang tên anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử nổi tiếng của địa phương, các đơn vị còn dựng bia, bảng tưởng niệm giới thiệu khái quát về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp… như một cách hay để giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa địa phương cho TTN.
Không chỉ vậy, Bạc Liêu đã có 4 địa danh lịch sử gắn với tuổi trẻ được tích hợp trên bandoso.doanthanhnien.vn; 15 bảng công trình mã hóa QR được đặt tại các “địa chỉ đỏ” để giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây được ví như những “hướng dẫn viên số” để giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương hiệu quả cho thế hệ trẻ.
Liên đội THCS Lê Hồng Phong (huyện Đông Hải) nghe thuyết minh viên giới thiệu về Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Mở rộng phạm vi giáo dục ngoại tỉnh
Vài năm trở lại đây, công tác giáo dục truyền thống lịch sử không còn bó hẹp phạm vi trong tỉnh, mà nhiều đơn vị, đoàn trường, liên đội đã bắt đầu mở rộng phạm vi, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại tỉnh. Trong đó, Liên đội THCS Lê Hồng Phong (huyện Đông Hải) đang là “điểm sáng” khi tổ chức được nhiều chuỗi hoạt động tham quan tìm hiểu, giáo dục lịch sử tại tỉnh Cà Mau (Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đồng Tháp (Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), TP. Hồ Chí Minh (Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng - Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước)… Đối tượng được tham gia hành trình “Hiểu về địa danh, rõ về sử ghi” ý nghĩa này đều là học sinh khá giỏi, nòng cốt trong các đội tuyển học sinh giỏi. Điều này đã kích thích phong trào thi đua học tập, lao động sôi nổi trong TTN nhà trường để được nối dài danh sách tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ngoại tỉnh.
Cách đây không lâu, Đoàn trường Đại học Bạc Liêu cũng đã tổ chức hành trình về nguồn ý nghĩa tại “địa chỉ đỏ” Côn Đảo. Tại đây, tuổi trẻ Đại học Bạc Liêu đã phối hợp cùng Huyện đoàn Côn Đảo thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa như: viếng Nghĩa trang Hàng Dương, mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; tặng 5 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn, trao 100 lá cờ cho ngư dân huyện đảo. Trong hành trình này, Đoàn trường còn tổ chức “Ngày thứ Bảy tình nguyện” với việc ra quân thu gom rác thải tại bãi biển An Hội và triển khai sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 cho đoàn viên - thanh niên. Trực tiếp tham quan Nhà tù Côn Đảo, Bảo tàng Côn Đảo… - nơi gìn giữ kỷ vật “địa ngục trần gian”, tuổi trẻ đơn vị càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập - thứ quý giá được đánh đổi bằng máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ.
Kết hợp giữa các bài giảng trong sách vở cùng những hình ảnh trực quan sinh động, những câu chuyện ở các “địa chỉ đỏ”, có thể thấy, công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thanh thiếu niên đã có sự thích ứng tốt với bước chuyển mình mạnh mẽ của xã hội và sự thay đổi về tâm lý của các em trong thời đại số. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ! Tâm huyết, linh hoạt và liên tục đổi mới cùng cộng đồng trách nhiệm giữa các đơn vị có trách nhiệm mới chính là chìa khóa quan trọng để việc giáo dục truyền thống lịch sử cho TTN đạt được hiệu quả như mong muốn.
Mai Khôi