Quốc phòng - An ninh
Trường THPT Ngan Dừa: Xây cột mốc chủ quyền Trường Sa giáo dục về biển, đảo
Năm 2015, tỉnh tiếp tục tuyên truyền về biển, đảo bằng nhiều hình thức. Tại huyện Hồng Dân, Trường THPT Ngan Dừa dự kiến khánh thành cột mốc chủ quyền Trường Sa vào dịp lễ sơ kết học kỳ I (ngày 12/2/2015).
![]() |
Cột mốc chủ quyền Trường Sa ở Trường THPT Ngan Dừa. Ảnh: N.Q |
Thầy Nguyễn Đình Chẳng, Bí thư Đoàn Thanh niên trường cho biết, cột mốc được xây dựng theo mẫu cột mốc chủ quyền huyện đảo Trường Sa, cao 4m, 4 mặt ốp gạch men, dán chữ chất liệu mê-ca. Kinh phí xây dựng 21,5 triệu đồng, trong đó học sinh đóng góp 13 triệu đồng, còn lại là kinh phí của nhà trường. Đây là cột mốc chủ quyền Trường Sa đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Bạc Liêu.
Nói về công trình này, cô Hồ Thị Thanh Hồng, Hiệu trưởng trường cho rằng: “Công tác tuyên truyền biển, đảo đã được nhà trường thực hiện từ lâu. Nay xây cột mốc chủ quyền để thấy hình ảnh trực quan, dễ giáo dục lòng yêu nước cho học sinh”.
Cột mốc chủ quyền này tạo hứng thú cho học sinh trong trường tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, sự kiện về biển, đảo, thềm lục địa Tổ quốc. Em Hồ Thị Yến Nhi, lớp 12CA, chia sẻ: “Em thường nắm thông tin về chủ quyền biển, đảo qua tin tức thời sự trên truyền hình hay các buổi sinh hoạt dưới cờ. Thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhiều bạn trẻ đổi ảnh đại diện trên mạng xã hội sang ảnh “hướng về biển Đông”, hoặc ảnh Trường Sa, lính hải quân để thể hiện sự quan tâm, ủng hộ đối với công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc”.
Đánh giá về công trình của Trường THPT Ngan Dừa, ông Lê Văn Sum, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: “Xây cột mốc chủ quyền Trường Sa là việc làm tốt. Các trường nếu có điều kiện về diện tích sân trường thì cũng nên làm như vậy”.
Học sinh THPT và sinh viên là đối tượng cần tuyên truyền biển, đảo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhiều trường đã chủ động mời báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến nói chuyện chuyên đề này với cán bộ, giáo viên và học sinh, như Trường THPT Phan Ngọc Hiển, THPT Chuyên Bạc Liêu. Một số trường thì có cách giáo dục tuyên truyền riêng, như Trường Cao đẳng Nghề in hình bản đồ Việt Nam có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khổ lớn treo ở vị trí dễ thấy trong khuôn viên trường; hay Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật lồng ghép nói về vấn đề chủ quyền biển, đảo trong những buổi sinh hoạt ngoại khóa… Từ đó, học sinh, sinh viên hiểu tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không bị kích động, lôi kéo.
Năm nay - 2015, tỉnh tiếp tục tuyên truyền về biển, đảo theo chiều rộng và chiều sâu. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ soạn lại tài liệu tuyên truyền cho gọn để học sinh bậc THCS dễ tiếp thu. Như vậy, có thể thấy, học sinh vẫn là đối tượng trọng tâm trong công tác tuyên truyền, giáo dục biển, đảo. Hy vọng thời gian tới, các trường sẽ có thêm sáng kiến để học sinh, sinh viên hiểu sâu hơn nguồn gốc, lịch sử, ý nghĩa quan trọng về biển, đảo gắn liền với bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Nguyễn Quốc
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025
- Trao tặng 35 bồn chứa và máy lọc nước cho các hộ khó khăn huyện Đông Hải
- Xây dựng hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau sau hợp nhất
- Chính thức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013