An toàn giao thông
Hiểm họa từ chướng ngại vật trên đường
An toàn của phương tiện và người khi tham gia giao thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố: người điều khiển, người cùng lưu thông, cơ sở hạ tầng… tác động của các chướng ngại vật cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây nên những vụ tai nạn thương tâm, những sự cố ngoài ý muốn.
Vật liệu xây dựng tập kết dưới lòng đường gây cản trở lưu thông. Ảnh: T.H
Từ mối nguy treo lơ lửng trên đầu…
Chiều 24/4/2025, trong lúc đang điều khiển xe trên Quốc lộ 1 theo hướng Cà Mau về Bạc Liêu, khi đến khu vực khóm 2 (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) thì ông T.P.N (ngụ khóm 1, phường Láng Tròn) bị dây điện mắc ngang sà xuống vướng vào cổ. Ông N. ngã về phía sau, đầu đập xuống đường tử vong tại chỗ. Ngay khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xử lý theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, hình ảnh những búi dây điện, dây cáp viễn thông treo lủng lẳng giữa các trụ điện, một số trường hợp do bị tác động nào đó mà thõng xuống sát đầu người đi đường không còn hiếm. Thậm chí, có đoạn dây còn bị đứt gãy võng xuống do tác động thời tiết, phương tiện va chạm. Đặc biệt là ven các tuyến đường nông thôn hiện nay, việc kéo điện vẫn chưa đảm bảo an toàn, “cột điện” được người dân tận dụng bằng những cây nhỏ trong vườn nhà, dây điện được kéo sát mé đường, là là trên đầu người dễ gây nên những tình huống mất an toàn. Vào ban đêm, những sợi dây này rất khó phát hiện, nhất là ở các khu vực không đủ ánh sáng. Dây điện bị chùng còn tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ điện, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
… Đến vật liệu xây dựng “án ngữ” dưới lòng đường
Gặp chướng ngại vật bất ngờ khi lưu thông trên đường bộ là nỗi lo thường trực của người tham gia giao thông. Đáng nói là hiện nay, từ việc thiếu ý thức, chủ quan mà tình trạng đặt các chướng ngại vật ngay trên vỉa hè, lòng đường, việc thả rong vật nuôi trên phố… trở nên phổ biến, tiềm ẩn mối nguy hiểm đến việc đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, việc tự ý đổ vật liệu xây dựng phục vụ công trình gia đình ra lối đi chung, việc tập kết vật liệu công trình ngay dưới lòng đường, vỉa hè xảy ra nhan nhản ở nhiều nơi.
Mới đây, khi các tuyến đường trên địa bàn TP. Bạc Liêu như Võ Văn Kiệt, Cao Văn Lầu… thực hiện cải tạo đường cũng như cống thoát nước, một số người dân cũng bức xúc cho rằng việc thi công công trình chưa đảm bảo tốt an toàn giao thông. Bà N.T.Q (Phường 5, TP. Bạc Liêu) phản ánh: “Đội ngũ thi công đào những hố sâu gần đến 1m ven đường nhưng không có biện pháp cảnh báo đúng quy định, điều này rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông…”. Bên cạnh vấn đề này, một số người dân còn bức xúc về việc đổ vật liệu phục vụ thi công công trình ngay dưới lòng đường, vừa lấn chiếm phần đường dành cho xe cộ lưu thông, vừa tạo các “chướng ngại vật” cản trở lưu thông gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt là học sinh, người già, người điều khiển xe máy.
Và 1.001 chướng ngại vật khác tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Không chỉ dây điện hay vật liệu xây dựng, rất nhiều chướng ngại vật khác vẫn có thể hiện diện trên đường phố hằng ngày như: cây xanh mọc cao, um tùm che khuất tầm nhìn người điều khiển phương tiện; cây xanh ngã đổ sau mưa dông; biển báo giao thông bị cây xanh che khuất, cột biển bị gãy đổ nhưng chưa được sửa chữa, các “ổ gà”, “ổ voi” xuất hiện sau mỗi trận mưa, đường ngập hoặc thậm chí là chó của các gia đình thả rông trên đường... Tất cả những yếu tố này khiến người điều khiển phương tiện phải luôn cảnh giác, bởi chỉ cần chút bất cẩn cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Giao thông an toàn không chỉ phụ thuộc vào ý thức người tham gia mà còn cần một môi trường đường phố an toàn, thông thoáng và không có chướng ngại vật nguy hiểm. Mỗi chướng ngại vật trên đường - dù là nhỏ nhất - đều có thể trở thành nguyên nhân cho một vụ tai nạn lớn. Quy định pháp luật hiện hành có quy định cụ thể về việc xử phạt đối với các hành vi để các vật cản qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng giải quyết các chướng ngại vật giao thông cần có sự nỗ lực, trách nhiệm chung của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và của cả cộng đồng. Trong đó, đối với cơ quan chức năng, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan; kịp thời phát hiện, khắc phục các vấn đề nảy sinh gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức khi xây dựng, sửa chữa nhà cửa, không tập kết vật liệu ra lòng đường một cách tùy tiện. Nếu phát hiện các chướng ngại nguy hiểm, chủ động báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời.
Mai Đinh