Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp và chỉ đạo chiến lược của ta

Thứ Tư, 03/04/2024 | 14:24

Dù 70 năm trôi qua, nhưng khí thế hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn âm vang đến ngày nay và là niềm tự hào lớn của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - một trong những đỉnh cao chói lọi, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: Tư liệu

Sau Cách mạng tháng 8/1945, thực dân Pháp với dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam; sau đó từng bước mở rộng chiến tranh, chối bỏ mọi cố gắng cao nhất về ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống người dân còn muôn vàn khó khăn, toàn thể Nhân dân Việt Nam vẫn một lòng đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, làm nên các chiến thắng vang dội: Việt Bắc thu đông (1947), Biên giới (1950)... Qua thắng lợi của các chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), vùng giải phóng được mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố, lực lượng vũ trang cách mạng trưởng thành nhanh chóng; cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương chuyển biến mạnh có lợi cho quân và dân ta.

Về phía thực dân Pháp, bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường, quân Pháp dấn sâu vào thế bị động, nguy khốn. Phong trào Nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng dâng cao. Để cứu vãn tình hình, Chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ từ Mỹ, mặt khác thay đổi chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự.

Tháng 5/1953, được sự ủng hộ của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Hăngri Nava - Tham mưu trưởng lục quân Pháp thuộc khối NATO làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava đề ra một kế hoạch quân sự toàn diện, được Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua ngày 24/7.

Nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch là tới năm 1954, tổ chức khối chủ lực tác chiến gấp 3 lần số binh đoàn hiện có. Chia thành hai bước, kế hoạch là cố gắng cao nhất của Pháp và Mỹ với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ chuyển bại thành thắng. Pháp tăng viện quân viễn chinh, mở rộng khối quân cơ động, ráo riết bắt thanh niên vào lính ngụy, phát triển phỉ vùng rừng núi. Mùa hè và thu 1953, địch mở hàng chục trận càn quét lớn nhỏ ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Bộ, đánh phá ác liệt các căn cứ của ta. Tiếp đó, cho quân nhảy dù tập kích Lạng Sơn và rút lực lượng ở Nà Sản về tăng cường ở đồng bằng Bắc Bộ.

Giữa tháng 11, bộ đội chủ lực của ta thực hiện kế hoạch tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với quân đội Pathet Lào. Trước tình hình đó, Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta.

Kế hoạch Nava bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng để đối phó. Chấp nhận cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ, Nava tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, xây dựng Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm” với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta.

(còn tiếp)

T.H (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.