Quy định các khoản thu đầu năm học
Đón chào năm học mới 2024 - 2025, bên cạnh niềm vui tựu trường, nhiều phụ huynh học sinh cũng quan tâm đến các khoản thu đầu năm học, trong đó có các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận hoặc không được phép thu.
Các em học sinh náo nức đón chào năm học mới. Ảnh: K.K
CÁC KHOẢN NHÀ TRƯỜNG ĐƯỢC PHÉP THU
Học phí là khoản thu mà người học phải đóng cho nhà trường theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Mức thu học phí hằng năm được HĐND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.
Học sinh - sinh viên (HS-SV) là nhóm đối tượng đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc. Điều này đã được quy định trong Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 1/7/2024, mức đóng BHYT hằng tháng của HS-SV bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại HS-SV tự đóng 70%). Phụ huynh học sinh có thể đóng BHYT một lần hoặc đóng theo phương thức 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng.
Ngoài khoản thu học phí và BHYT, người học còn phải đóng tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu. Khoản thu này áp dụng theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của HS-SV hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu - chi.
CÁC KHOẢN THU THEO THỎA THUẬN, QUYÊN GÓP QUA BAN ĐẠI DIỆN PHỤ HUYNH
Một số khoản thu khác như tiền ăn, chăm sóc bán trú; học 2 buổi/ngày; nước uống; học phẩm cho học sinh mầm non; dạy thêm, học thêm trong nhà trường… thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh, thành, được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị. Tất cả các khoản thu trên phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt là Ban đại diện) là tổ chức của phụ huynh học sinh được bầu ra với nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Kinh phí để tổ chức hoạt động của Ban đại diện đã được quy định rõ tại Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Theo đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện lớp. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các Trưởng ban Ban đại diện lớp đầu năm học.
8 KHOẢN TIỀN KHÔNG ĐƯỢC THU
Việc xã hội hóa để có kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm những trang thiết bị dạy học hiện đại là cần thiết và cũng hướng tới phục vụ các em học sinh. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, Ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Cụ thể 8 khoản tiền không được thu gồm bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo vệ an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
KIM KIM
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc