Nỗi đau mang tên “mua bán người”

Thứ Sáu, 03/12/2021 | 18:11

Ngày 2/11/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Bạc Liêu bắt tạm giam đối tượng Ngô Thị Mỹ Chi (sinh năm 1992, trú tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) để điều tra về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Trong năm 2021, Cơ quan CSĐT cùng với lực lượng BĐBP Bạc Liêu cũng đã tiến hành điều tra, khởi tố nhiều trường hợp liên quan đến tội phạm mua bán người, trong đó có đến 3 trường hợp, người có liên quan chính là cha mẹ của nạn nhân.

Minh họa: Internet

KHI PHỤ NỮ TRỞ THÀNH… MÓN HÀNG

Nạn nhân của tội phạm mua bán người đa số là phụ nữ và trẻ em. Thủ đoạn của tội phạm mua bán người phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng giàu, sau đó đưa nạn nhân lên các tỉnh biên giới rồi bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Một số đối tượng xấu giả danh là công an, biên phòng trên mạng xã hội Zalo, Facebook… để kết bạn làm quen phụ nữ, hứa hẹn, sau đó lừa bán sang Trung Quốc. Các đối tượng đã lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để thực hiện hành vi tội phạm. Như trường hợp của em L.H.Y (ấp Chùa Phật, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) bị đưa sang Trung Quốc lúc em mới 13 tuổi. Mẹ của Y. không có nghề nghiệp, đi mò cua bắt ốc kiếm sống qua ngày. Trong những lúc đi làm rày đây mai đó, bà gặp đối tượng môi giới, dụ dỗ bằng cách cho mượn tiền để sinh hoạt hàng ngày. Đến khi không có tiền để trả, đối tượng này đã gợi ý để bà mẹ đồng ý gả con sang Trung Quốc. Số tiền thỏa thuận mà gia đình tại Việt Nam được nhận là 140 triệu đồng.

Không chỉ Y., còn có các trường hợp như H.T.G.H (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình); N.T.Đ, N.T.T, T.T.K.D (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai); C.T.Đ (xã Vĩnh Trạch Đông), T.T.D (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu)… Các nạn nhân khi trở về đến quê nhà đều trở nên lặng lẽ, ngại gặp người lạ, rất khó tiếp cận vì những tổn thương, sang chấn tâm lý. Ngoại trừ một số trường hợp muốn trở lại cuộc sống bình thường, không ít người bắt đầu cuộc sống tha hóa, thậm chí bị nghiện ngập vì có một thời gian sống trong các ổ tệ nạn...

Ở trường hợp của L.H.Y, bị gả cho một gia đình để làm vợ ở tuổi 13, em thường xuyên bị chồng đánh đập dã man. Người mẹ tại Việt Nam cũng chỉ nhận được 70 triệu đồng, sau khi trả nợ hết 30 triệu, số tiền 40 triệu đồng chưa kịp chi xài đã phải dùng làm thủ tục bay sang Trung Quốc tìm con. Cuối cùng, tiền bạc hết mà con gái cũng không thể cứu được vì phía gia đình chồng L.H.Y không cho em về. Cho đến khi Y. được tổ chức Rồng Xanh giải cứu và trao trả về Việt Nam, em đã trải qua những tháng ngày đau khổ khủng khiếp.

Thời gian gần đây, tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bán sang Trung Quốc vẫn không giảm. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang thực hiện nhiều cơ chế, khuyến khích di giãn dân ra cư trú ở sát biên giới, thu hút người dân sang lao động làm thuê, cùng với tình trạng mất cân bằng về giới tính, tỷ lệ chênh lệch nam nhiều hơn nữ, nhất là số nam giới trọng độ tuổi kết hôn không có khả năng lấy vợ trong nước.

Theo các cơ quan chức năng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để rủ rê, thì hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua mạng viễn thông, các trang, ứng dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân, nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Minh họa: Internet

CẦN TUYÊN TRUYỀN “ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN”

Đầu năm 2020, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP nhận được đơn cầu cứu của anh V.V.Đ (trú tại huyện Hòa Bình) về việc con gái mình là V.T.H (sinh năm 2001) bị Ngô Thị Mỹ Chi lừa bán sang Trung Quốc vào tháng 11/2016. Ngày 11/8/2020, Bộ Chỉ huy BĐBP Bạc Liêu đã khởi tố vụ án hình sự “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Và đây không phải là vụ án duy nhất tại Bạc Liêu.

Theo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, chỉ trong 3 năm (2019 - 2021) đơn vị đã giải cứu, hỗ trợ 13 nạn nhân là đối tượng của các vụ mua bán phụ nữ trở về địa phương để sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Hầu hết các trường hợp sau khi sang Trung Quốc đều bị hành hạ, ngược đãi, hoàn cảnh hết sức bi đát nên các em cầu cứu khắp nơi hoặc tìm cách bỏ trốn bằng nhiều đường để về Việt Nam. Như trường hợp em H. (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình), bị đưa qua biên giới lúc mới 15 tuổi để phục vụ gia đình chồng và làm công cụ… đẻ. Chồng H. bị tâm thần phân liệt nên thường xuyên đánh H., còn dùng H. để thụ thai nhân tạo cho con trai bị bệnh tâm thần. Sau nhiều lần kêu cứu và bỏ trốn, cuối cùng H. đã được về quê nhà với tấm thân tàn và bụng bầu song thai. Mang thai trong trạng thái bị ngược đãi, 2 đứa trẻ sinh ra suy dinh dưỡng, 1 bé bị chết, 1 bé đang mang bệnh tật.

Bà Trương Kim Ênh - Phó phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, người trực tiếp phụ trách hỗ trợ, tư vấn cho các nạn nhân trong các vụ mua bán người cho biết, hầu hết các trường hợp nạn nhân đều có hoàn cảnh nghèo khổ, cộng thêm sự thiếu hiểu biết, nhận thức kém. Gia đình các nạn nhân chủ yếu chỉ mong con mình được đổi đời. Ngoài ra, tiền do các đối tượng môi giới, dụ dỗ đưa từ vài chục đến trăm triệu đồng cũng có thể giúp họ trang trải cuộc sống hiện tại. Nhưng thực tế khi sang bên kia biên giới, các chị em phụ nữ chỉ là công cụ để bọn tội phạm kiếm chác tiền bạc. Hoặc vào các ổ mại dâm, hoặc bị gả bán cho các gia đình chủ yếu là bình dân, nghèo ở Trung Quốc. Những người đàn ông ở các gia đình này hầu hết là nghèo, hoặc bị bệnh tật, không có khả năng cưới vợ bản xứ. Công tác tư vấn, hỗ trợ các đối tượng trong những trường hợp này cũng vô vàn khó khăn, vất vả, bởi những tổn thương mà các nạn nhân phải gánh chịu là rất lớn. Và khi trở về, cuộc sống của nhiều nạn nhân và gia đình còn rơi vào bế tắt, túng quẫn.

Sự thật đằng sau những số phận bi kịch ấy, có vai trò của gia đình các nạn nhân, và xa hơn nữa là sự sâu sát, hỗ trợ từ xóm giềng, khóm ấp, khu dân cư cho đến sự tuyên truyền, giáo dục kịp thời từ chính quyền các cấp. Làm sao để mọi người dân đều có thể nhận thức và hiểu một cách cặn kẽ, tới nơi tới chốn, phân biệt được như thế nào là mua bán người dưới nhiều hình thức, trong đó có kết hôn giả, lao động giả… Bởi không ở đâu có thể có cuộc sống tươi đẹp, giàu sang khi xuất phát điểm chỉ là con số 0.

KIM PHƯỢNG

Nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người

Tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều ban hành Kế hoạch số 39 để triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất, toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người ở địa phương. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trong các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm xã hội của từng nhóm tiếp nhận thông tin. Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động phòng, chống mua bán người tại cộng đồng hiệu quả; tổ chức thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người tại cộng đồng dân cư. Tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu nạn nhân theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm và hỗ trợ thiết yếu ban đầu; bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân và người thân của họ theo quy định của pháp luật.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.