Những quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Với định hướng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp (DN) trong trả lương, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường, thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để DN thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển, ngày 28/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Hội nghị người lao động năm 2025 tại Công ty Điện lực Bạc Liêu. Ảnh: K.K
NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TIỀN LƯƠNG LINH HOẠT, GẮN VỚI NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, HIỆU QUẢ SẢN XUẤT - KINH DOANH
Nghị định 44 đã quy định rõ, tiền lương được xác định gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phù hợp mặt bằng thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để DN thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển. Đồng thời, căn cứ quy định pháp luật về lao động, việc làm, Điều lệ hoạt động và chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, DNNN được tự quyết định thang lương, bảng lương, không giới hạn mức tối đa với chuyên gia và nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Ngoài ra, Nghị định 44 cũng làm rõ hơn nguyên tắc xác định việc loại trừ và các yếu tố khách quan để được loại trừ khi tính tiền lương như chính sách Nhà nước, thị trường. So với các quy định cũ, Nghị định 44 đã trao quyền tự chủ lớn hơn cho các DNNN trong việc xây dựng tiền lương, đồng thời bổ sung và làm rõ thêm cơ chế loại trừ các yếu tố khách quan khác để đảm bảo công bằng, từ đó giúp DNNN linh hoạt cạnh tranh trên thị trường lao động, đặc biệt là trong việc thu hút nhân tài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
TIỀN THƯỞNG, TIỀN LƯƠNG VỚI LAO ĐỘNG CÔNG NGHỆ CAO
Quy định cụ thể mức tiền thưởng tối đa của người lao động tại các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (sau đây gọi là “DNNN trên 50% vốn”). Cụ thể, Nghị định 44 quy định rõ tiền thưởng của người lao động trong DNNN trên 50% vốn là tối đa 3 tháng tiền lương nếu lợi nhuận đạt kế hoạch. Đối với ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên, tiền thưởng tối đa 2 tháng lương. Nghị định cũng nêu rõ, không dùng quỹ thưởng của người lao động để thưởng cho ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên.
Còn đối với người lao động, ban điều hành, thành viên hội đồng, kiểm soát viên tại các DNNN nắm giữ 100% vốn thì quỹ khen thưởng được xác định theo quy định của Chính phủ. Quỹ tiền thưởng của người lao động được trích từ quỹ khen thưởng, phúc lợi và phân bổ theo quy chế của DN. Đối với ban điều hành, thưởng dựa trên mức độ đóng góp và kết quả hoạt động của DN.
Ngoài ra, nhằm thu hút, khuyến khích, duy trì sử dụng lao động công nghệ cao, tiền lương của đối tượng lao động công nghệ cao như người lái máy bay, công nghệ số, AI,… theo quy định của Luật Công nghệ cao được tách riêng, dựa trên mặt bằng tiền lương trên thị trường, nhưng phải bảo đảm không làm giảm lợi nhuận so với thực hiện của năm trước liền kề. Trường hợp xác định đơn giá tiền lương ổn định thì không làm giảm lợi nhuận so với lợi nhuận bình quân.
Nhìn chung, Nghị định 44 đã hợp nhất nhiều quy định rải rác tại các nghị định cũ và sửa đổi một số quy định có liên quan và được kỳ vọng là bước tiến lớn trong quản lý DNNN, giúp tăng quyền tự chủ, linh hoạt điều chỉnh tiền lương theo hiệu quả, đồng thời, giúp người lao động được đảm bảo quyền lợi, đặc biệt là với nhóm lao động công nghệ cao.
KIM KIM
- Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 21/5: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đóng góp các dự thảo Luật
- Tọa đàm Báo chí Cách mạng Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang
- Họp báo, bốc thăm thi đấu Giải bóng chuyền hơi nữ mở rộng năm 2025
- Xúc tiến thương mại: Cầu nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương
- Cần xử lý nghiêm tin đồn thất thiệt về trứng gà giả