Tìm hiểu pháp luật

Người lao động luôn được pháp luật bảo hộ

Thứ Sáu, 26/04/2024 | 16:07

Trong quan hệ lao động, người lao động (NLĐ) sẽ là bên yếu thế hơn. Nhận thấy rõ điều đó, những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn dành nhiều quy định pháp luật để bảo vệ cho NLĐ, giúp NLĐ an tâm lao động, làm việc trong môi trường an toàn, phù hợp với quy định pháp luật.

Sở Tư pháp Bạc Liêu triển khai các văn bản pháp luật mới, trong đó có các nội dung về bảo vệ quyền của người lao động. Ảnh: K.K

MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC AN TOÀN, HIỆU QUẢ CHO NLĐ

Do là bên yếu thế, NLĐ dễ đối mặt với nhiều nguy cơ phát sinh từ quan hệ lao động, dẫn tới đời sống của họ và gia đình bị ảnh hưởng. NLĐ trong quan hệ lao động khó có thể thỏa thuận bình đẳng với người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mình. Những vấn đề như thiếu việc làm, đe dọa thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tiếng nói của NLĐ, nếu không có những quy định của pháp luật bảo vệ. Sự chênh lệch cung - cầu sẽ khiến cho người sử dụng lao động có thể dồn ép NLĐ khi tham gia thỏa thuận lao động.

Việc xác định nguyên tắc bảo vệ NLĐ còn nhằm hạn chế những nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của họ. Vì NLĐ là người trực tiếp thực hiện các công việc được người sử dụng lao động giao, do đó họ có thể sẽ phải thực hiện công việc của mình trong điều kiện môi trường ô nhiễm, độc hại, không đảm bảo an toàn… Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của họ, do đó cần có pháp luật lao động bảo vệ cho họ và hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động.

Hơn nữa, NLĐ luôn bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động, bị người sử dụng lao động quản lý, điều hành. Do đó, người sử dụng lao động có thể từ quyền của mình mà sinh ra lạm quyền, ép buộc NLĐ thực hiện theo ý mình, buộc NLĐ phải chấp nhận, cam chịu nếu không muốn mất việc. Do đó, những nguyên tắc bảo vệ NLĐ hướng đến việc tạo một môi trường làm việc an toàn hiệu quả cho NLĐ, trong khuôn khổ pháp luật quy định.

CÁC TỔ CHỨC BẢO VỆ NLĐ

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ tại doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn tham gia Công đoàn cơ sở trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, được điều chỉnh bởi Luật Công đoàn năm 2012 hoặc lựa chọn gia nhập tổ chức đại diện NLĐ khác, độc lập với Công đoàn, không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do NLĐ tự nguyện lập ra, được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019. So với trước đây, các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 đã mở rộng theo hướng cho phép NLĐ có sự lựa chọn tham gia tổ chức đại diện lao động theo nhu cầu của mình, họ có thể lựa chọn tham gia Công đoàn hoặc các tổ chức đại diện khác hoặc không tham gia các tổ chức đại diện. Điều này đã thể hiện rõ nét quyền tự do liên kết của NLĐ.

Như vậy, kể từ Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực đến nay, NLĐ đã chính thức được thành lập các tổ chức đại diện cho mình, thay vì chỉ tham gia vào tổ chức Công đoàn như lâu nay. Đây là điểm mới quan trọng trong Bộ luật Lao động năm 2019, thể hiện việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở theo Bộ luật Lao động năm 2019 đã có sự mở rộng so với Luật Công đoàn năm 2012. Theo Luật Công đoàn năm 2012, đối tượng tham gia Công đoàn chỉ có thể là NLĐ có quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu cũng có thể tham gia các tổ chức đại diện trong doanh nghiệp, bảo đảm việc thu hút thành viên tham gia tổ chức, thể hiện sự bình đẳng về quyền tự do liên kết của NLĐ nước ngoài với NLĐ Việt Nam. Quy định như vậy, về cơ bản đã phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế, tiến tới bảo đảm bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa bất kỳ NLĐ nào khi thực hiện quyền tự do liên kết của mình.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.