Một số quy định về phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật này gồm 6 chương, 56 điều và quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ; điều kiện bảo đảm PCBLGĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong PCBLGĐ.
Quốc hội lấy ý kiến dự án Luật PCBLGĐ vào tháng 3/2022 tại huyện Phước Long. Ảnh: K.P
CÁC QUY ĐỊNH VỀ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) được quy định gồm hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em.
Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm…
Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác; cô lập, giam cầm thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
NGUYÊN TẮC PHÒNG CHỐNG
Nguyên tắc PCBLGĐ: Phòng ngừa là chính, lấy người bị BLGĐ là trung tâm. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về PCBLGĐ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong PCBLGĐ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định trách nhiệm của người có hành vi BLGĐ phải chấm dứt hành vi BLGĐ; chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về PCBLGĐ; kịp thời đưa người bị BLGĐ đi cấp cứu, điều trị. Chăm sóc người bị BLGĐ, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị BLGĐ, người tham gia PCBLGĐ và tổ chức, cá nhân khác.
CHÚC LY
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025