Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo “thông báo phạt nguội” vi phạm giao thông
Giả danh cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện thông báo phạt nguội vi phạm giao thông để lừa đảo - thủ đoạn không mới, nhưng không ít người vẫn hoang mang, mất cảnh giác dẫn đến sập bẫy. Cục CSGT (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cách thức gọi điện thoại lừa đảo này và không làm theo chúng.
Người dân dễ dàng tra cứu thông tin về vi phạm giao thông trên Cổng thông tin của Bộ Công an. Ảnh: K.K
Anh L.T.K (Phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết, anh vừa bị một đối tượng gọi điện thoại xưng là cán bộ CSGT của TP. Cần Thơ, thông báo rằng anh tham gia giao thông qua đoạn đường này vi phạm tốc độ cao, bị xử phạt 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 tháng. Đối tượng yêu cầu anh L.T.K phải mang theo các loại giấy tờ xe, giấy tờ cá nhân đến Đội CSGT Cần Thơ để giải quyết, nếu chậm trễ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Đối tượng trích dẫn các điều khoản quy định của pháp luật, dùng lời lẽ đanh thép để hù dọa nhằm tạo tâm lý hoang mang, lo sợ cho người nhận cuộc gọi. Nhờ cảnh giác đối với các cuộc gọi tương tự, anh L.T.K đã không làm theo yêu cầu của bọn lừa đảo, trực tiếp tra cứu thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông trên cổng thông tin của Cục CSGT, và phát hiện hoàn toàn không có thông tin bị xử phạt nguội.
Một trong những nguyên tắc quan trọng mà người dân cần nắm rõ là cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc, cơ quan Công an sẽ gửi thông báo bằng văn bản. Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định, các trường hợp vi phạm “phạt nguội” đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an. Như vậy không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm.
Việc thông báo vi phạm sẽ được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc qua phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin). Đồng thời, đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT để người dân chủ động tra cứu, chấp hành. Sau đó gửi thông báo cho người liên quan theo thông tin cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chủ phương tiện, người điều khiển đến trụ sở làm việc. Chủ phương tiện, người điều khiển mà không cư trú tại địa bàn đó, cán bộ chức năng chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho Công an cấp xã hoặc cấp huyện nơi người đó cư trú để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm. Sau khi cơ quan chức năng lập biên bản về lỗi vi phạm, chủ phương tiện hoặc người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp hoặc nộp online qua hệ thống dịch vụ công.
Do đó, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn lạ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để lực lượng công an có biện pháp xử lý kịp thời.
KIM KIM
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
- Những điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
- Chính sách hỗ trợ đất đai cho người dân tộc thiểu số
- Chỉ thị chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước