Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Phụ nữ huyện Hòa Bình: Với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Ngoài việc không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp huyện Hòa Bình còn thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Trong đó, tiêu biểu là phong trào phụ nữ sáng tạo trong lao động bằng các mô hình làm ăn hiệu quả, qua đó tăng thu nhập cho gia đình.
Nhằm thu hút cũng như tạo dựng niềm tin của chị em vào tổ chức Hội, Hội Phụ nữ các cấp huyện Hòa Bình đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực và hiệu quả. Trong đó việc xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả cho hội viên được Hội LHPN huyện chú trọng thực hiện. Bởi đây cũng chính là giải pháp thực hiện tốt tiêu chí “Không đói nghèo” và “Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giúp các chị em tìm và áp dụng mô hình làm ăn phù hợp với gia đình, các cấp Hội còn khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ riêng nguồn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm gần đây đã có dư nợ trên 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn tranh thủ giải ngân vốn Quỹ vì quê hương và vốn GIZ, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, Hội LHPN huyện còn phát động chị em phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và huy động vốn trong nội bộ chị em phụ nữ thông qua tổ hùn vốn, tiết kiệm nuôi heo đất, tặng cây giống, con giống, sổ tiết kiệm và xây tặng hơn 30 căn mái ấm tình thương giúp đỡ những hộ gặp khó khăn về nhà ở... Qua các việc làm ý nghĩa này, đã có hơn 8.700 phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất, chăn nuôi, trồng màu, phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình trồng màu của hội viên phụ nữ xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) được hỗ trợ vốn từ Hội Phụ nữ huyện và tổ hùn vốn địa phương. Ảnh: T.T
Sau khi có hướng làm ăn và có vốn đầu tư, các cấp Hội Phụ nữ huyện Hòa Bình còn phát động các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, vận động chị em tham gia vào 18 câu lạc bộ và tổ phụ nữ tận dụng đất trống trồng màu; phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện, Trung tâm Giáo dục - dạy nghề mở các lớp may dân dụng, may công nghiệp và kết chuỗi cườm cho gần 2.000 lao động nữ, giới thiệu việc làm cho 10.721 phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng các mô hình trồng màu, vá lưới, dịch vụ nhổ năn, dặm lúa, kết cườm, đan thảm, tận dụng đất trống trồng màu, câu lạc bộ mua bán văn minh, lịch thiệp, tổ phụ nữ tự sản, tự tiêu, để giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình và nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện.
Điển hình như mô hình đan thảm của hội viên phụ nữ ấp Kế Phòng (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Qua gần 2 năm hoạt động, đã giúp hàng chục phụ nữ trong ấp có được việc làm ổn định trong lúc nông nhàn. Sản phẩm “thảm lau chân” do các chị làm ra cũng thường xuyên được cải tiến, vừa bền, vừa đẹp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Những tấm thảm được các chị đan phối hợp theo từng màu vải nhìn rất bắt mắt, nhưng giá bán chỉ 50.000 - 60.000 đồng/tấm nên rất dễ tiêu thụ. Bên cạnh mô hình đan thảm của phụ nữ ấp Kế Phòng, Hội LHPN xã Vĩnh Bình còn phát động chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi trồng rau màu, chăn nuôi heo, gà, vịt để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Phong trào phụ nữ sáng tạo trong lao động để tăng thu nhập cho gia đình luôn được các cấp Hội Phụ nữ khuyến khích các chị em tham gia. Từ đó, giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, yên tâm tham gia và gắn bó với tổ chức Hội ngày càng đông về số, mạnh về chất, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo - giải quyết việc làm của huyện Hòa Bình trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Đàm Nguyễn